Tính đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận được đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 gồm: Chính phủ đề nghị 55 dự án, trong đó 53 dự án luật, 2 dự án pháp lệnh. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị 2 dự án luật. Tòa án Nhân dân tối cao đề nghị 3 dự án luật, 1 dự án pháp lệnh. Ủy ban Kinh tế đề nghị 7 dự án luật.
Thảo luận ở hội trường, nhiều đại biểu cho rằng việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội còn hạn chế, chưa thực hiện tốt việc tổng kết, khảo sát thực tiễn, phân tích chính sách, đánh giá tác động; chưa dành nhiều thời gian, các điều kiện cần thiết cho công tác xây dựng văn bản; số lượng các dự án đề nghị bổ sung và điều chỉnh chương trình còn lớn; chất lượng chuẩn bị một số dự án còn nhiều hạn chế. Nội dung một số luật, pháp lệnh còn quy định mang tính nguyên tắc nên sau khi ban hành phải chờ văn bản dưới luật quy định chi tiết thì mới có thể đi vào cuộc sống, nhưng có nhiều văn bản này không được ban hành đúng tiến độ…
Các đại biểu cũng nhất trí kiên quyết không đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh những dự án chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng, chưa có đầy đủ hồ sơ; không đưa ra xem xét những dự án luật, pháp lệnh mặc dù đã có trong chương trình nhưng không bảo đảm tiến độ về thời gian trình dự án, cũng như không bảo đảm chất lượng của dự án.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013. Theo đó, chương trình sẽ có sự điều chỉnh: Lùi thời hạn trình các dự án Luật Hải quan (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), Luật Hộ tịch.
Đề nghị sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Trước đó, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) (sửa đổi). Qua hơn 7 năm thực hiện Luật, có thể thấy việc quản lý, sử dụng kinh phí hoạt động của các cơ quan, đơn vị đã gắn kết hơn với các biện pháp THTK, CLP từ khâu lập dự toán đến chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước. Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đã thực hiện cơ chế tự chủ trong quản lý tài chính để chủ động sử dụng kinh phí, biên chế, qua đó kinh phí được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả hơn. Mặc dù vậy ở một số cơ quan, đơn vị, vẫn còn tình trạng chi vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ hoặc sử dụng kinh phí sai mục đích. Cụ thể, từ 2006 đến tháng 7/2012, hệ thống kho bạc nhà nước đã thực hiện kiểm soát và phát hiện trên 219.000 khoản chi của hơn 96.443 lượt đơn vị chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định và đã yêu cầu đơn vị bổ sung các thủ tục cần thiết, đã từ chối chưa thanh toán với số tiền khoảng 2.086 tỷ đồng.
Việc quản lý và triển khai thực hiện các dự án đầu tư trong những năm qua còn nhiều hạn chế, yếu kém, thất thoát, lãng phí xảy ra ở hầu hết các giai đoạn của quá trình đầu tư, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp. Trong năm 2010, cả nước có 3.386 dự án chậm tiến độ, chiếm 9,78% số dự án thực hiện trong kỳ; số dự án phải điều chỉnh chiếm 15,14% (5.239/34.607); số dự án vi phạm quy định về quản lý đầu tư là 221 dự án, chiếm 0,63% (vi phạm về thủ tục đầu tư 112 dự án, vi phạm về quản lý chất lượng 109 dự án) (Tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2011). Kết quả kiểm toán 8 tháng đầu năm 2012 cho thấy hầu hết các dự án đầu tư được kiểm toán đều có sai phạm trong công tác đấu thầu, thẩm định, phê duyệt dự án, nghiệm thu khống, nghiệm thu sai khối lượng, đơn giá, quyết toán thừa cho nhà thầu...
Trước những đòi hỏi yêu cầu thực tiễn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đề nghị Quốc hội cho sửa đổi Luật THTK, CLP.
Thẩm tra về Luật này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng tính khả thi của Dự thảo luật và Luật THTK, CLP hiện hành là chưa cao; nhiều quy định còn mang tính hình thức, hiệu lực thực tế thấp, khó đi vào cuộc sống. Để có căn cứ thực hiện và đánh giá được việc thực hiện tiết kiệm hay không tiết kiệm, có lãng phí hay không lãng phí thì phải quy định được các nội dung cụ thể. Tuy nhiên, những quy định này còn thiếu trong Dự thảo luật; một số quy định về trách nhiệm bồi thường không khả thi. Vì vậy, đề nghị rà soát, chỉnh lý để bảo đảm tính khả thi của Dự án luật.
Ngoài ra, để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thực tế, Dự thảo luật cần bổ sung các quy định chi tiết và rõ ràng hơn về: Cơ chế công khai, minh bạch việc quản lý sử dụng tài sản, tiền vốn, tài nguyên trong hoạt động sản xuất kinh doanh; Cơ chế phát hiện, phản ánh, tố giác hành vi lãng phí; hình thức thông tin cụ thể cho cơ quan, tổ chức tiếp nhận thông tin, cơ quan có thẩm quyền xử lý; Trách nhiệm người đứng đầu trong tiếp nhận, xử lý thông tin lãng phí; Bổ sung quy định cụ thể hơn về kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, bao gồm cả kiểm toán nội bộ về THTK, CLP, theo đó, các hoạt động này phải được tăng cường hơn so với hiện nay, bảo đảm tính định kỳ, bao quát các lĩnh vực thường xảy ra lãng phí.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam