Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra
về dự án Luật đấu thầu (sửa đổi) và dự án Luật việc làm. (Ảnh: dangcongsan.vn)
Ưu đãi nhà thầu và hàng hóa trong nước
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, việc xây dựng Luật Đấu thầu (sửa đổi) là yêu cầu khách quan trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước.
Dự thảo Luật bao gồm 9 chương và 109 điều cơ bản kế thừa, cụ thể hóa và sửa đổi các quy định tương ứng của Luật Đấu thầu năm 2005, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản năm 2009 (Điều 2), đồng thời bổ sung một số nội dung mới.
Trong đó, điểm mới đáng chú ý là ưu tiên phát triển nguồn lực, tạo cơ hội cho nhà thầu trong nước trúng thầu và tạo công ăn việc làm cho lao động trong nước. Cụ thể, Dự thảo Luật đưa ra quy định yêu cầu nhà thầu nước ngoài khi tham dự thầu quốc tế tại Việt Nam phải liên danh hoặc ký hợp đồng với nhà thầu phụ Việt Nam. Nhà thầu nước ngoài chỉ được phép sử dụng lao động nước ngoài khi lao động trong nước không đủ khả năng thực hiện và không đáp ứng yêu cầu của gói thầu theo quy định của pháp luật.
Quy định nêu trên nhằm tiếp tục khẳng định chính sách ưu tiên phát triển nguồn lực, tạo công ăn việc làm cho lao động trong nước đồng thời từng bước giúp nhà thầu Việt Nam tiếp nhận công nghệ và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, tự chủ, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh để tiến tới trở thành nhà thầu độc lập thực hiện các gói thầu lớn, công nghệ cao, phức tạp không chỉ tại thị trường Việt Nam mà cả trên thị trường quốc tế.
Mặt khác, Dự thảo Luật quy định cụ thể về ưu đãi đối với nhà thầu, ưu đãi đối với hàng hóa và phương pháp tính ưu đãi để tạo cơ chế thuận lợi, tăng tính cạnh tranh đối với doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia đấu thầu quốc tế. Đặc biệt nhấn mạnh đến việc ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp có trên 50% lao động là thương binh, người tàn tật.
Ngoài ra, Dự thảo Luật bổ sung quy định về trường hợp áp dụng đấu thầu trong nước và đấu thầu quốc tế. Theo Chính phủ, với các quy định như nêu trên sẽ hạn chế được tối đa tình trạng “nhà thầu Việt Nam thua trên sân nhà”.
Về phân cấp trong đấu thầu, Dự thảo Luật đã phân cấp triệt để việc quyết định hình thức chỉ định thầu cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp mà không yêu cầu trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Để việc phân cấp gắn với trách nhiệm giải trình, tránh khép kín trong đấu thầu, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về trách nhiệm giải trình của người có thẩm quyền, chủ đầu tư trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.
Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc ban hành Luật đấu thầu (sửa đổi) với vai trò là luật chung quy định về hoạt động lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đối với các gói thầu, dự án sử dụng nguồn vốn nhà nước thuộc tất cả các lĩnh vực và các hình thức là cần thiết.
Đảm bảo việc làm bền vững cho mọi người lao động
Dự thảo Luật Việc làm được xây dựng bao gồm 7 Chương và 61 điều nhằm điều chỉnh các quan hệ về việc làm, bao gồm các quy định về 5 nội dung chính: Hỗ trợ tạo việc làm; thông tin thị trường lao động; đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; dịch vụ việc làm và bảo hiểm thất nghiệp.
Các nội dung này áp dụng đối với mọi người lao động, bao gồm cả người lao động có việc làm (có hoặc không có quan hệ lao động) và người lao động không có việc làm (chưa có việc làm hoặc mất việc làm), người lao động phổ thông và người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Trong đó, chính sách hỗ trợ tạo việc làm áp dụng chủ yếu đối với người lao động chưa có việc làm, chính sách bảo hiểm thất nghiệp áp dụng chủ yếu đối với người lao động bị mất việc làm. Các quy định về dịch vụ việc làm, thông tin thị trường lao động, đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia được áp dụng chung đối với tất cả người lao động.
Thẩm tra dự án Luật này, Ủy ban về các vấn đề xã hội thống nhất cơ bản về sự cần thiết ban hành Luật việc làm nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng đó là “Tạo môi trường và điều kiện để mọi người lao động có việc làm và thu nhập tốt hơn” .
Tuy nhiên Ủy ban này cho rằng dự án Luật cần cụ thể hóa hơn vai trò an sinh xã hội trong chính sách việc làm, là chính sách nhằm phòng ngừa rủi ro cho người lao động. Chính sách việc làm phải hướng đến mục tiêu việc làm bền vững cho người lao động, tạo cơ hội bình đẳng về việc làm cho mọi người trong xã hội, nâng cao trách nhiệm của nhà nước và xã hội đối với việc làm có năng suất, thu nhập công bằng, có môi trường làm việc an toàn và không bị phân biệt đối xử.
Luật cần xây dựng những chính sách ưu tiên hỗ trợ tạo việc làm đối với nhóm lao động trẻ, nhóm lao động yếu thế, lao động nữ, lao động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn, lao động tự do… nhằm tăng cường tính bền vững đối với việc làm ở nhóm đối tượng và các khu vực này vì đây là khu vực chịu nhiều rủi ro về điều kiện môi trường làm việc, thu nhập thấp và ít ổn định hơn so với khu vực có quan hệ lao động.
Luật cũng cần khuyến khích mạnh mẽ sự tham gia của xã hội trong chính sách việc làm thông qua việc đa dạng hóa các nguồn lực và xã hội hóa dịch vụ việc làm; mở rộng sự tham gia của cộng đồng, các tổ chức xã hội và cá nhân, đặc biệt là cơ chế, chính sách để doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển, khuyến khích người lao động, nâng cao kỹ năng nghề, chủ động tìm kiếm việc làm, tự tạo việc làm; hình thành thị trường lao động chủ động, trong đó người lao động và doanh nghiệp đóng vai trò tích cực.
Bên cạnh đó, Luật cần xây dựng cơ chế thông tin - dự báo, định hướng cho việc phát triển thị trường lao động phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Làm rõ nguyên nhân doanh nghiệp chưa làm thủ tục đăng ký lại
Cuối buổi chiều nay, Quốc hội dành thời gian thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật doanh nghiệp. Trước đó, Tờ trình về dự án Luật này đã được Chính phủ trình Quốc hội vào chiều ngày 25-5-2013 và được các đại biểu thảo luận tại tổ sáng ngày 28-5-2013.
Theo Tờ trình của Chính phủ, việc sửa đổi Điều 170 Luật Doanh nghiệp là nhằm giải quyết vướng mắc cho không chỉ những doanh nghiệp đã hết thời hạn hoạt động, mà còn tạo cơ sở pháp lý để doanh nghiệp chưa hết hạn hoạt động có thể điều chỉnh, bổ sung ngành nghề hoặc mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Trong bối cảnh các doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và một số giải pháp hỗ trợ của Chính phủ cần có thêm thời gian để thực hiện thì việc xem xét sửa đổi Điều 170 Luật Doanh nghiệp là hết sức cần thiết và cấp bách. Đây cũng chính là vấn đề có thể giải quyết và mang lại hiệu quả ngay cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng như hoạt động thu hút đầu tư.
Thảo luận tại Hội trường, nhiều ý kiến bày tỏ nhất trí sửa đổi lại Điều 170 Luật nhưng cũng có ý kiến cho rằng không cần thiết phải sửa lại bởi sẽ ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của pháp luật và công bằng giữa các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc và không nghiêm túc luật.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) bày tỏ “thực trạng tồn tại 2.916 doanh nghiệp, chiếm 48% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập theo Luật Đầu tư nước ngoài trước đây chưa thực hiện thủ tục đăng ký lại để hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005 là không ai mong muốn và không ai muốn lặp lại”.
Đại biểu cho rằng những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc doanh nghiệp không thực hiện thủ tục đăng ký lại chưa được Chính phủ làm rõ. “Tìm ra nguyên nhân của thực trạng trên là quan trọng, tuy nhiên Tờ trình của Chính phủ mới chỉ nêu 3 nguyên nhân là chưa thỏa đáng. Đặc biệt Chính phủ chưa đề cập đến liệu có nguyên nhân nào xuất phát từ cơ quan quản lý không.” – đại biểu Nguyễn Thanh Hải nói. Đại biểu đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước khi để xảy ra tình trạng trên. Mặt khác, đại biểu cho rằng nội dung của Tờ trình Chính phủ mới phân tích những mặt tích cực mà chưa phân tích tới những tác động tiêu cực khi sửa đổi Điều 170 là chưa hợp lý.
Đồng tình với đại biểu Nguyễn Thanh Hải, đại biểu Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai) cũng đề nghị làm rõ nguyên nhân để xảy ra tình trạng trên, đồng thời nhấn mạnh “ làm rõ nguyên nhân không phải để truy trách nhiệm mà để giải quyết tình trạng”.
Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cũng bày tỏ sự phân vân và chưa thấy thuyết phục với Tờ trình của Chính phủ bởi cho rằng đánh giá của Chính phủ chưa khách quan, chưa đầy đủ. “Điều 170 đã hai lần được sửa đổi mà vẫn chưa khả thi chứng tỏ sự dự báo, nghiên cứu chưa rõ ràng để Luật đi vào cuộc sống.” – đại biểu Minh nói.
Bày tỏ sự đồng tình với việc sửa đổi Điều 170 nhưng đại biểu Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) cũng đề nghị xem xét lại trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc doanh nghiệp đăng ký hoạt động.
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thẳng thắn nhận trách nhiệm: Để xảy ra tình trạng trên trách nhiệm trước hết là UBND các tỉnh thành phố nhưng trách nhiệm liên đới có Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bộ trưởng cũng thừa nhận “đúng là thực chất quy định trước đây chưa hợp lý và bây giờ cần sửa đổi lại./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam