Trong một tuyên bố, Bộ Thống nhất Hàn Quốc khẳng định "Chính phủ Hàn Quốc có quan điểm rất tích cực trước đề nghị đối thoại chính thức của Triều Tiên. Xơun (Seoul) hy vọng Triều Tiên và Hàn Quốc có thể xây dựng sự tin tưởng thông qua cơ hội này". Theo hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc, thời gian và địa điểm tổ chức các cuộc đối thoại này sẽ được thông báo sau.
Cùng ngày, Tổng thống Hàn Quốc Pác Cưn Hê (Park Geun-hye) đã kêu gọi Bình Nhưỡng chấp thuận sáng kiến chính sách xây dựng lòng tin của chính quyền Hàn Quốc để có thể mở ra một kỷ nguyên mới về hòa bình và hy vọng trên Bán đảo Triều Tiên.
Trước đó, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin Bình Nhưỡng đã đề nghị tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp với Hàn Quốc về các vấn đề, trong đó có việc bình thường hóa hoạt động khu công nghiệp chung Kêxâng (Kaesong) và nối lại tour du lịch tới núi Cưmcang (Kumgang).
Tuyên bố đặc biệt của Ủy ban Tái thống nhất hòa bình Triều Tiên nêu rõ Bình Nhưỡng “đề nghị tổ chức các cuộc đối thoại giữa chính quyền miền Bắc và miền Nam về việc bình thường hóa hoạt động tại khu công nghiệp chung Kêxâng cũng như việc nối lại tour du lịch tới núi Cưmcang nhân kỷ niệm ngày ký Tuyên bố chung liên Triều 15-6”. Bên cạnh đó, Triều Tiên còn đề nghị tiến hành các sự kiện chung nhằm kỷ niệm 13 năm ký Tuyên bố chung liên Triều 15-6 và 41 năm ngày ký tuyên bố chung về tái thống nhất hòa bình 4/7, với sự hiện diện của chính quyền hai bên.
Tuyên bố chung liên Triều được ký ngày 15-6-2000 tại Bình Nhưỡng giữa Tổng thống Hàn Quốc khi đó là ông Kim Tê Chung (Kim Dae-jung) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Châng In (Kim Jong Il), nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế liên Triều và trao đổi hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác. Tuyên bố này đã dẫn tới giai đoạn Triều Tiên và Hàn Quốc nối lại quan hệ hữu nghị, hợp tác song phương trên quy mô lớn và đẩy mạnh các mối quan hệ kinh tế.
Theo TTXVN