Bắc Kinh đã bắt đầu chiến dịch ngoại giao sau khi hoàn thành quá trình chuyển giao quyền lực diễn ra 10 năm một lần, với việc Thủ tướng Lý Khắc Cường - nhân vật quyền lực số hai của Trung Quốc - tới thăm Ấn Độ, Pakixtan, Thụy Sĩ và Đức. Sau chuyến thăm Mêhicô, ông Tập Cận Bình sẽ tới Mỹ để tham dự hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên với Tổng thống Barack Obama tại California vào ngày 7 và 8-6.
Những năm gần đây, Trung Quốc đã tăng cường thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư với các nước đang phát triển, đặc biệt ở khu vực châu Phi và Mỹ Latinh, để đảm bảo nguồn nguyên liệu thô cho phát triển kinh tế và tạo ra ảnh hưởng địa chính trị lớn hơn. Ngày 30-5, Ding Gang, biên tập viên cao cấp của "Nhân dân Nhật báo", viết trên "Thời báo Hoàn cầu" (phụ san của "Nhân dân Nhật báo" - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc) như sau: "Trong khi Mỹ tiến vào sân sau của Trung Quốc thì Trung Quốc cũng hành động tương tự với Mỹ".
Biên tập viên Ding cũng nhắc tới chuyến thăm mới đây của Tổng thống Mianma Thein Sein tới Oasinhtơn, khi Mỹ và quốc gia bị cô lập trước đây này- vốn chịu ảnh hưởng của Trung Quốc trong thời gian dài - đã ký kết hiệp định khung về thương mại và đầu tư. Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Trịnh Trạch Quang mô tả chuyến thăm của ông Tập Cận Bình bằng ngôn từ ngoại giao hơn. Phát biểu với các phóng viên, ông nói: "Chuyến thăm này có ý nghĩa quan trọng trong việc làm sâu sắc thêm quan hệ của Trung Quốc với ba nước này và thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa Trung Quốc, Mỹ Latinh và vùng Caribê".
Kể từ năm 2005, đây là chuyến thăm đầu tiên của một Chủ tịch Trung Quốc tới Mêhicô. Mêhicô hiện là nền kinh tế lớn thứ hai khu vực Mỹ Latinh chỉ sau Braxin, đồng thời là thành viên của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ. Ông Trịnh Trạch Quang cho biết Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Mêhicô, còn Mêhicô cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc tại Mỹ Latinh. Kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều đạt 36,7 tỷ USD trong năm 2012, tăng 10% so với năm 2011. Trung Quốc và Mêhicô đều là thành viên của nhóm các nền kinh tế hàng đầu thế giới G-20, tuy nhiên Matt Ferchen - làm việc tại Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie-Tsinghua ở Bắc Kinh - cho biết hai nước này đang cạnh tranh với nhau để xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ. Nhà nghiên cứu Ferchen nói rằng những điểm đến được ông Tập Cận Bình lựa chọn lần này đều là "những quốc gia thú vị". Ông Ferchen cho biết thêm rằng bên cạnh việc cải thiện quan hệ với Mêhicô, "Trung Quốc có khả năng tạo ra một hình mẫu quan hệ khác" với các quốc gia Mỹ Latinh khác, dựa nhiều hơn vào việc xuất khẩu hàng hóa. Côxta Rica là quốc gia đầu tiên - và cho tới nay là quốc gia duy nhất - tại Trung Mỹ đã chuyển sự công nhận ngoại giao từ Đài Loan sang Trung Quốc, điều này được thực hiện vào năm 2007.
Hai nước đã đi tới một hiệp định thương mại tự do vào năm 2010 và kể từ đó hoạt động kinh doanh giữa hai bên bắt đầu bùng nổ với tổng kim ngạch thương mại hai chiều tăng 30,5% trong năm 2012, lên mức 6,2 tỷ USD. Ferchen nói: "Đây là một sự thử nghiệm và phía Trung Quốc mong muốn tạo ra một mối quan hệ có khả năng trở thành hình mẫu cho các quốc gia khác tại Trung Mỹ và khu vực Caribê". Mặc dù vậy, trao đổi thương mại giữa Trung Quốc với Triniđát & Tôbagô vẫn ở mức thấp và đang dần suy giảm.
Theo các số liệu thống kê của Chính phủ Trung Quốc, tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai bên đã giảm từ mức 627 triệu USD năm 2011 xuống còn 450 triệu USD trong năm 2012. Ông Trịnh Trạch Quang cho biết chuyến công du lần này của ông Tập Cận Bình cũng là chuyến công du đầu tiên của một Chủ tịch Trung Quốc tới Triniđát và Tôbagô, đồng thời cũng là chuyến thăm đầu tiên tới khu vực Caribê nói tiếng Anh. Quốc đảo này có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt lớn.
Theo thông tin từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế hồi tháng 3 vừa qua, Triniđát và Tôbagô là một trong số những quốc gia có mức GDP theo đầu người cao nhất tại khu vực Tây Bán cầu. Ông Trịnh Trạch Quang nói thêm rằng, nằm trong kế hoạch vươn tới các nước khác của Trung Quốc, trong chuyến công du lần này, ông Tập Cận Bình cũng sẽ gặp các đại diện của nhiều quốc gia khác, bao gồm Ăngtigua và Bácbuđa, Bahama, Đôminích, Grênađa, Guyana, Surinam và Giamaica.
Theo TTXVN