Đồng chí Phạm Đồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Đây là diễn đàn có ý nghĩa hết sức quan trọng, ngoài việc để các doanh nghiệp (DN) có cái nhìn khách quan về môi trường đầu tư, chất lượng điều hành kinh tế của tỉnh qua từng năm, hội thảo còn là cơ hội để các nhà đầu tư, các DN, địa phương gặp gỡ, đối thoại, cùng nhau phân tích, đánh giá những mặt được, mặt hạn chế, từ đó bàn giải pháp khắc phục, hướng đến xây dựng Ninh Thuận trở thành nơi có môi trường đầu tư tốt của cả nước, để hiện thực hóa chiến lược phát triển kinh tế của mình.
Tuyến đường ven biển đoạn Phú Thọ - Mũi Dinh. Ảnh: Bảo Bình
Các nội dung liên quan của Hội thảo đã được các đại biểu tập trung phân tích làm rõ. Nhiều vấn đề liên quan đến các chỉ số thành phần như: Gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, chi phí thời gian..., đã được lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và chuyên gia Phòng VCCI phân tích, đánh giá rất chi tiết. Ông Đặng Quang Vinh, chuyên gia PCI, Phòng VCCI nhìn nhận: Năm 2012 là năm khá thành công của Ninh Thuận trong việc nỗ lực cải thiện chỉ số PCI khi đã cán đích ở vị trí 18/63 tỉnh, thành trong cả nước và đứng thứ 3 trong số 8 tỉnh vùng Đông Nam Bộ (đứng sau Đồng Nai và TP.Hồ Chí Minh). Tuy nhiên, nếu phân nhóm điều hành thì Ninh Thuận có 3 năm (từ 2006 – 2008) bị xếp vào nhóm các tỉnh có năng lực điều hành tương đối thấp, nhưng bắt đầu từ năm 2009 sự tiến bộ trong cải cách đã giúp tỉnh bước vào nhóm điều hành “khá” và duy trì kết quả đó cho đến nay.
Qua kết quả đánh giá chỉ số PCI của Phòng VCCI cho thấy, trong 9 chỉ số thành phần PCI năm 2012, tỉnh ta có 6 chỉ số, gồm: Gia nhập thị trường, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tiếp cận đất đai, đào tạo lao động và tính năng động của lãnh đạo tỉnh có số điểm tăng cao hơn so với năm 2011. Trong đó, chỉ số đào tạo lao động là chỉ số có sự bứt phá về thứ hạng tốt nhất của tỉnh ta trong năm 2012, tăng tới 39 bậc so với năm 2011 và hiện đang xếp thứ 16/63 tỉnh, thành trong cả nước. Tiếp đó, các chỉ số như tiếp cận đất đai cũng đã tăng thêm 1,39 điểm, chỉ số tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh tăng 0,95 điểm. Các chỉ số tăng nhẹ so với năm 2011 gồm: Gia nhập thị trường tăng 0,34 điểm; chi phí thời gian tăng 0,21 điểm và chi phí không chính thức tăng thêm 0,06 điểm. Tuy mức tăng khá nhỏ so với năm trước, nhưng nhờ giữ được điểm số cao trong hai năm liên tiếp nên chỉ số chi phí thời gian của tỉnh ta hiện được xếp thứ hạng khá cao, đứng thứ hai trong cả nước. Đa số các DN khi được hỏi đều cho rằng, đội ngũ cán bộ trong các cơ quan nhà nước ở tỉnh ta hiện nay làm việc hiệu quả hơn rất nhiều. Vì vậy, các thủ tục liên quan đến giấy tờ đã giảm so với trước, số lần đi xin dấu và chữ ký của DN cũng ít đi. Đặc biệt, trong năm 2012 trung bình một DN chỉ có 3 lần làm việc với thanh tra thuế, giảm đi 5 lần so với năm 2011. Riêng với lĩnh vực tiếp cận đất đai, qua kết quả khảo sát của Phòng VCCI cho thấy, hầu hết các DN đã lạc quan hơn vào các chính sách của tỉnh và tin tưởng hơn vào khung giá đất phù hợp với mức giá thị trường; đồng thời tỷ lệ DN cho biết được bồi thường thỏa đáng khi bị thu hồi đất đã cao hơn so với năm 2011. Một điểm khá tích cực khác nữa là tỷ lệ DN trong mẫu khảo sát sở hữu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã tăng từ mức 81,25% năm 2011 lên 93,59% vào năm 2012. Đây là tỷ lệ cao nhất cả nước và cho thấy sự thành công trong chính sách đất đai của tỉnh ta.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng VCCI cho biết: Về mặt lý thuyết, nếu trong năm 2012 Ninh Thuận giữ được mức điểm của các chỉ số: Cải thiện điều kiện gia nhập thị trường, tăng cường tính minh bạch của thông tin, hỗ trợ các dịch vụ cho DN và giảm thiểu các chi phí không chính thức bằng với điểm trung vị tương ứng thì Ninh Thuận đã có thể tăng thêm 1,18 điểm, tức đạt 60,94 điểm, xếp thứ 14, tăng 4 bậc so với thực tế và được xếp trong nhóm điều hành “tốt” chứ không phải “khá” như hiện tại.
Nhà máy Bia Sài Gòn-Ninh Thuận công suất 50 triệu lít/năm được đầu tư xây dựng
tại Cụm công nghiệp Thành Hải, Tp. Phan Rang- Tháp Chàm. Ảnh: Sơn Ngọc
Sự tiến bộ trong cải thiện chỉ số PCI của tỉnh ta được thể hiện rất rõ nét khi đem so sánh với kết quả xếp hạng của một số tỉnh, thành trong vùng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia của Phòng VCCI, nếu chỉ dựa vào kết quả PCI năm 2012 thì còn quá sớm để kết luận rằng những năm sắp tới tỉnh ta sẽ lọt vào “top” các tỉnh, thành dẫn đầu, bởi hiện tại tỉnh ta đang có ba chỉ số còn lại là tính minh bạch thông tin, thiết chế pháp lý và dịch vụ hỗ trợ DN không duy trì được kết quả ổn định cần thiết mà đã quay đầu giảm điểm từ năm 2010 cho tới nay. Vì thế, để giữ vững và cải thiện mạnh mẽ hơn nữa chỉ số PCI, đưa Ninh Thuận vào nhóm các tỉnh xếp hạng cao của cả nước giai đoạn 2013-2015 như kế hoạch đề ra, thời gian tới cùng với việc tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ như: Tăng cường cải cách thủ tục hành chính, công khai các tài liệu pháp lý, xử lý kịp thời và nghiêm khắc đối với những cán bộ nhũng nhiễu DN để cải thiện lòng tin và sự minh bạch của mình, tỉnh cần chú trọng tới việc phát triển từng bước các dịch vụ hỗ trợ DN, thực hiện các chương trình đào tạo, giới thiệu việc làm... Bên cạnh các giải pháp trên, về lâu dài tỉnh cần một mặt duy trì những yếu tố cải cách tích cực, đồng thời nỗ lực hơn nữa ở những lĩnh vực liên quan đến thực thi pháp luật, thiết chế pháp lý và tiếp cận đất đai. Và, một điều hết sức quan trọng nữa là lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương phải thật sự quyết tâm, đồng lòng, rút kinh nghiệm từ các năm đã qua và học hỏi kinh nghiệm từ các tỉnh trong cả nước để xây dựng kế hoạch hành động, giải pháp cụ thể để có những chính sách điều chỉnh kịp thời, tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhất cho DN.
Văn Thanh