Đây không chỉ là niềm vui của tộc họ Pinăng ở thôn Ma Oai, xã Phước Thắng, huyện Bác Ái mà còn là niềm tự hào của người Raglai Ninh Thuận. Từ tiết mục “Nhạc hội mã la”, những nét văn hóa đặc trưng của nhạc cụ mã la của người Raglai đã đến với bạn bè và khán giả cả nước.
Trong kho tàng âm nhạc dân tộc, đồng bào Raglai tỉnh ta sở hữu nhiều nhạc cụ nổi tiếng như mã la, đàn đá, đàn chapi cùng nhiều nhạc cụ độc đáo khác… Đây là vốn văn hóa rất quý, nhưng hiện nay đang dần bị mai một. Riêng ở xã miền núi Phước Thắng, huyện Bác Ái có một gia đình thuộc tộc họ Pinăng gồm 7 chị em đã nặng lòng với những âm thanh của những nhạc cụ truyền thống, mang âm hưởng núi rừng và đã không ngừng phát huy nét giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc mình.
Đội mã la của huyện Bác Ái. Ảnh: Văn Miên
Theo bà Pinăng Thị Lem, từ khi còn nhỏ, chị em bà đã được sống trong âm thanh đắm say và linh thiêng của các nhạc cụ dân gian Raglai. Cứ thế, những âm thanh ấy ngấm dần vào tâm thức từ những đêm nổi lửa, đến những ngày lễ hội. Đến bây giờ, ngoài việc sử dụng thành thạo các nhạc cụ truyền thống thì vốn kiến thức về âm nhạc của bà qua việc sưu tầm, học hỏi từ những già làng cũng ngày càng phong phú hơn. Với bà Lem, được vào vòng chung kết, đi Hà Nội, thăm Lăng Bác Hồ, tham gia Liên hoan Dân ca Việt Nam, ngoài mong muốn bảo tồn văn hóa truyền thống của người Raglai, bà còn đam mê học hỏi nghệ nhân các dân tộc khác về những nét văn hóa tương đồng, qua đó làm phong phú thêm sự hiểu biết về âm nhạc truyền thống.
Bà Lem cho biết thêm: Gia đình mình ai cũng đam mê và yêu thích nhạc cụ mã la. Đi thi xa như vậy ai cũng lo, nhưng tự hào được mang bản sắc văn hóa dân tộc mình đến với liên hoan, nên đã cố gắng tập với toàn đội để chương trình hoàn thiện nhất. Chị Pinăng Thị Tâm, xã Phước Thắng, huyện Bác Ái bày tỏ niềm vui: Cả tộc họ mình ai cũng vui, háo hức khi tiết mục này được chọn tham gia liên hoan dân ca. Mã la chính là niềm tự hào và một phần hồn thiêng liêng của dân tộc mình, chính vì vậy mặc dù thời gian tập rất ít nhưng ai cũng cố gắng hết mình với mong muốn giới thiệu văn hóa Raglai đến bà con trong cả nước.
Theo ông Nguyễn Hải Liên, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ninh Thuận, tại Liên hoan Dân ca Việt Nam lần thứ V, không chỉ có dân ca mà cả dân nhạc, dân vũ. Vì vậy, chúng ta có tiết mục “Nhạc hội mã la”- một tiết mục bao gồm 4 bài nhạc mã la đặc biệt và độc đáo nhất của người Raglai còn giữ nguyên bản gốc, được bà con địa phương lưu giữ đến hôm nay.
Nét độc đáo của “Nhạc hội mã la” gia tộc Pinăng không chỉ là đội mã la nữ đầu tiên của gia tộc, của cộng đồng người Raglai Ninh Thuận, mà chính họ đang bảo lưu nhiều bài, bản của nhạc cụ mã la đặc sắc. Điều đáng trân trọng hơn là những người phụ nữ của gia tộc Pinăng giờ đây còn “chủ công” trong việc bảo tồn, truyền dạy cho con cháu vốn văn hóa, văn nghệ dân gian trong cộng đồng để nhân lên niềm tự hào dân tộc.
Ngũ Anh Tuấn