Theo một nghiên cứu do Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế phối hợp thực hiện, trong năm 2012, lượng kiều hối mà 60 triệu di dân khu vực châu Á-Thái Bình Dương lao động ở nước ngoài gửi về nước đạt gần 260 tỷ USD. Ước tính khoảng 70 triệu hộ gia đình châu Á được hưởng lợi từ luồng tiền này.
Nghiên cứu trên cho hay, hiện hầu hết các hộ gia đình châu Á nhận kiều hối vẫn sống "ngoài hệ thống tài chính của thế giới", nhất là những hộ ở nông thôn mới chỉ được tiếp cận rất hạn chế với các tài khoản tiết kiệm (mở tại các ngân hàng). Hệ thống điện thoại di động đang mở ra triển vọng hàng trăm triệu dân có thu nhập thấp ở khu vực nông thôn được kết nối với các dịch vụ tài chính.
Châu Á là thị trường tăng trưởng mạnh nhất hành tinh đối với các dịch vụ tài chính di động, nơi các dịch vụ này đã vươn tới hầu hết các thị trấn và làng mạc, tạo điều kiện để người dân gửi tiền, chuyển tiền qua tài khoản và thanh toán các hoá đơn. Lâu nay, người nhận kiều hối ở nông thôn phải đi một quãng đường dài tới một ngân hàng/hay một điểm trả tiền để nhận tiền mặt. Nhưng những tiến bộ về công nghệ cho phép sử dụng thiết bị di động để nhận/gửi tiền. Một số thiết bị di động cũng cho phép khách hàng nhận tiền từ các máy ATMs mà không cần dùng thẻ ngân hàng, cũng như cho phép thanh toán hàng hoá/dịch vụ tại các điểm bán lẻ.
Tuy nhiên, những dịch vụ này mới đang ở giai đoạn đầu. Trong quá khứ, lao động di cư gửi tiền về gia đình ở các vùng nông thôn phải chịu mức phí gửi tiền cao, nhưng tình hình nay đã thay đổi. Hiện 60% nhà cung cấp dịch vụ gửi tiền hàng đầu đã cung cấp dịch vụ chuyển khoản qua di động. Như vậy, triển vọng của ngành dịch vụ tài chính khá xán lạn, đó là chi phí thấp và chuyển tiền tức thời ở khoảng cách địa lý xa qua điện thoại di động.
Tuy nhiên, báo cáo cũng có ý thận trọng về ngân hàng di động, nhận định rằng thành công của ngành trong dài hạn phụ thuộc vào sự phát triển bền vững của các mô hình kinh doanh này, và đây vẫn là một thách thức.
Theo TTXVN