Đưa văn hóa - nghệ thuật dân gian vào học đường: Một tiếp cận giáo dục theo hướng đổi mới

(NTO) Đã có nhiều bài viết phân tích về những nguyên nhân của việc xuống cấp đạo đức học đường, nhưng một nguyên nhân được nói đến nhiều nhất là sự rời xa những giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc. Một khi con người ta đánh mất đi những giá trị cốt lõi của những tinh hoa văn hóa cha ông, một khi con em quay lưng lại với quá khứ sẽ kéo theo việc đánh mất bản sắc riêng có tốt đẹp của dân tộc. Nói cách khác là sự đánh mất chính mình.

Để giải quyết triệt để vấn đề này cần có nhiều giải pháp, nhiều hướng tiếp cận. Ở đây, xin đề xuất một giải pháp nhằm góp phần xây dựng văn hóa học đường; giảm thiểu dần đi đến xóa bỏ những “rác rưởi” văn hóa học đường, tạo lập những phông giá trị văn hóa ban đầu thông qua việc “Đưa văn hóa-nghệ thuật dân gian vào học đường”.

 
Nhạc lễ và nhạc hội mã la gắn liền với Lễ hội Bỏ mả của đồng bào dân tộc Raglai được tái hiện
trong buổi lễ tổng kết “Đưa văn hóa dân gian vào học đường” tại Trường PTDT nội trú Pi-năng Tắc, huyện Bác Ái.
Ảnh: Sơn Ngọc

Thực tế đã chứng minh, nhà trường là “cái nôi văn hóa thứ hai” sau gia đình – là một trong những môi trường văn hóa thuận lợi nhất để làm điều đó. Trong suốt 18 năm (nếu một đứa trẻ bắt đầu đi nhà trẻ từ lúc 1 tuổi) cho đến khi tốt nghiệp THPT, không kể ở những bậc học khác cao hơn nếu chúng được sống trong một môi trường giáo dục toàn diện, trong đó có việc bên cạnh học tập văn hóa phổ thông, học sinh còn được sống cùng với văn hóa-nghệ thuật của cha ông, chúng sẽ được hít thở, sống trong bầu không khí thanh sạch, đẹp đẽ mà cha ông chúng đã sống hàng mấy nghìn năm từ cách ứng xử, nói năng, hát múa, đến cách tư duy, lối sống văn hóa. Qua đó học sinh của chúng ta sẽ tập làm người qua việc học làm người. Đó là giáo dục để phát triển toàn diện, là cung cấp kỹ năng sống chứ không chỉ đơn thuần được cung cấp về kiến thức. Điều mà hiện nay chúng ta đang nói nhiều là giáo dục Việt Nam thiên về dạy chữ mà thiếu dạy người, dạy kỹ năng làm người.

Một người không thể yêu quý dân tộc mình, cha mẹ mình, quê hương, đất nước mình nếu không biết, không hiểu, không yêu quý những vốn văn hóa-nghệ thuật dân gian của cha ông để lại. Chúng ta sẽ mất gốc rễ cội nguồn nếu ngay từ nhỏ chúng ta không được giáo dục để hiểu biết và trân trọng những giá trị văn hóa tinh thần của cha ông được kết tinh và khẳng định qua năm tháng

Hơn bất cứ một ngành nào khác, ngành GD&ĐT có thể làm tốt chức năng giáo dục của mình nếu đưa văn hóa-nghệ thuật dân gian vào học đường như một hướng tiếp cận góp phần đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT. Được như vậy sẽ có hai cái lợi. Một là, giáo dục sẽ mang lại hơi thở cuộc sống cha ông đến với tâm hồn mỗi học sinh ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường và sẽ đi theo chúng suốt cuộc đời, góp phần bồi đắp tâm hồn, tạo dựng nhân cách con người Việt Nam mang đậm nét đạo đức, tình cảm văn hóa truyền thống tốt đẹp. Hai là, lực lượng học sinh và giáo viên đông đảo vốn bắt rễ lâu bền với gia đình, làng xóm, thôn bản nên sau khi được bồi dưỡng, giáo dục, truyền dạy văn hóa-nghệ thuật dân gian sẽ là những hạt giống, hạt nhân bảo tồn và phát huy giá trị của những di sản văn hóa, trở thành tài sản ngay tại nơi “chôn nhau, cắt rốn” của mình (gia tộc, làng, bản, xóm, thôn, dòng tộc).

Để đưa văn hóa-nghệ thuật dân gian vào học đường cần bắt đầu bằng việc giáo dục nhận thức cho đội ngũ thầy giáo, cô giáo và học sinh về ý nghĩa và tầm quan trọng của văn hóa-nghệ thuật dân gian trong đời sống tâm hồn, tình cảm của cha ông xưa cùng những giá trị nhân văn, những nét đặc sắc, độc đáo của nó theo từng vùng, miền. Coi đây như một môn học thuộc văn hóa địa phương có tính đặc thù.

Trên cơ sở có sự phối hợp với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức khảo sát, đánh giá, lựa chọn những sản phẩm văn hóa-nghệ thuật dân gian tiêu biểu như: Các trò chơi dân gian ở địa phương, các làn điệu dân ca địa phương, các lễ hội, nhạc cụ tiêu biểu…xây dựng chương trình giáo dục văn hóa- nghệ thuật địa phương đặc thù.

Tổ chức các hình thức giáo dục linh hoạt, lồng ghép: Diễn xướng, tạo dựng không gian văn hóa, bồi dưỡng, truyền dạy các nhạc cụ dân tộc…

Để làm được những nội dung trên cần có sự đổi mới trước hết về chương trình giáo dục. Bớt các kiến thức văn hóa hàn lâm, tăng các hoạt động giáo dục kỹ năng qua việc tổ chức các câu lạc bộ văn hóa-nghệ thuật dân gian và các loại hình Câu lạc bộ khác như thể dục-thể thao, mỹ thuật… Những loại hình học tập tại các câu lạc bộ này được thiết kế trong chương trình học tập như là một môn học chính khóa có thể 1 tiết/tuần (không đưa vào hoạt động ngoại khóa và học sinh được quyền lựa chọn học nội dung nào và sinh hoạt ở câu lạc bộ nào).

Đối với môn học Văn hóa-Nghệ thuật dân gian sẽ được xây dựng chương trình phù hợp theo từng cấp học. Đối với cấp Mầm non, Tiểu học chủ yếu là những trò chơi dân gian, câu đố dân gian, truyện cổ dân gian và những làn điệu dân ca đơn giản. Lên cấp Trung học bắt đầu truyền dạy các loại hình văn hóa-nghệ thuật dân gian mang nét đặc thù vùng, miền tiêu biểu và đặc sắc nhất.

Đội ngũ giảng dạy là những nghệ nhân dân gian hoặc nghệ sĩ ở các đoàn ca múa nhạc ở các địa phương và các giáo viên có năng khiếu nghệ thuật được bồi dưỡng, đào tạo để về giảng dạy lại.

Nguồn kinh phí cho nội dung giáo dục này phải được dự toán từ đầu năm ở các địa phương để tổ chức xây dựng chương trình chuẩn và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng dạy cũng như mua sắm các trang, thiết bị cho việc giảng dạy.

Việc đưa văn hóa-nghệ thuật vào học đường như một trong những môn học đặc thù sẽ góp phần đổi mới căn bản triết lý giáo dục: Tự do-sáng tạo-nhân cách.

Tự do: người học được tư do lựa chọn môn học mình yêu thích và được tham gia một cách đầy hào hứng trong những câu lạc bộ mà họ vừa là chủ thể sáng tạo vừa là người học tự nguyện.

Sáng tạo: Môi trường văn hóa – nghệ thuật dân gian là môi trường của sự đồng sáng tạo giữa người học và thế giới mà người học tạo dựng lại qua việc trải nghiệm, khám phá thể hiện những làn điệu dân ca, những trò chơi dân gian, những nhạc cụ dân tộc, những nghi lễ, nghi thức truyền thống…

Nhân cách: Thông qua những trải nghiệm người học được nhận diện, hiểu biết về những giá trị văn hóa tinh thần tốt đẹp của cha ông; từ đó biết yêu quý, tôn vinh và hướng theo những giá trị.

Với cách tiếp cận đổi mới giáo dục như trên, chúng ta sẽ góp phần bồi đắp nên những tâm hồn Việt, trí tuệ Việt và nhân cách Việt.