Khác với cách gây quỹ của chị em miền xuôi, 19 năm qua, 68 chị em phụ nữ tổ 3, thôn Ha Lá Hạ góp quỹ bằng những lon bắp rẫy. Hằng tháng các hội viên trong tổ họp một lần. Tùy vào hoàn cảnh kinh tế gia đình, với tinh thần tự nguyện, mỗi người nộp từ 3 -5 lon bắp/ tháng để góp vốn. Sau 3 tháng, tổ trưởng bán bắp, số tiền bán được dùng cho hoạt động phong trào; giúp đỡ chị em trong tổ gặp khó khăn đột xuất, còn lại được xung vào quỹ để mua heo, mua bò giúp chị em có điều kiện thoát nghèo.
Máy nhai lúa của Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo tổ 3, thôn Ha Lá Hạ
Nhằm giúp phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện mua gia súc, gia cầm về nuôi phát triển kinh tế gia đình, năm 1997, từ nguồn quỹ này, tập thể phụ nữ tổ 3 thống nhất “trút vốn quỹ bắp” mua 15 con heo giúp cho chị em nghèo đem về nuôi. Có được heo, nhiều phụ nữ nghèo rất phấn khởi. Nhờ tận dụng được lượng thức ăn từ rau củ có sẵn nên mức đầu tư thấp, sinh lời lớn. Sau khi bán heo, chị em hoàn lại vốn cho tổ để người nghèo kế tiếp được vay. Một trong những người vừa được thoát nghèo nhờ nuôi heo, nuôi bò, Chị Katơ Thị Puôn cho biết: “Cái bụng mình vui lắm. Nhờ có con heo, con bò của tập thể nên cuộc sống gia đình mình được cải thiện hơn trước rất nhiều. Vì thế mình càng gắn bó với tập thể”.
Đến năm 2001, với 34 con heo từ Quỹ hỗ trợ Phụ nữ nghèo, tập thể chị em tổ 3 quyết định bán heo, bán bắp mua 6 con bò nái sinh sản giúp phụ nữ nghèo trong tổ có bò chăn thả. Năm 2011, quỹ chi hội có 11 con bò nái sinh sản, trị giá hơn 60 triệu đồng. Xuất phát từ nhu cầu cần có máy nhai lúa phục vụ thu hoạch, giảm bớt gánh nặng trong khâu tuốt lúa của chị em, họ quyết định bán 7 con bò mua máy trị giá 33 triệu đồng (máy cũ) về thuê người lái để thu hoạch vụ mùa. “Đến ngày mùa thu hoạch, mình thuê người đưa máy đi nhai lúa cho bà con. Trừ mọi chi phí, mỗi vụ thu hoạch dư được trên 2 triệu đồng bổ sung vào quỹ chi hội”, chị Katơ Thị Khém, tổ trưởng tổ 3 cho biết.
Trao đổi với chúng tôi, chị PiNăng Thị Hà, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phước Thắng cho hay: Nhìn lại chặng đường dài xây dựng Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo tổ 3, thôn Ha Lá Hạ, chúng tôi đánh giá rất cao về tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của chị em. Điều đáng nói, trong 4 năm trở lại đây, bình quân mỗi năm có 6 gia đình chị em trong tổ 3 thoát nghèo bền vững nhờ vào nguồn quỹ này. Quan trọng là phụ nữ trong tổ đã dìu dắt nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Đó là niềm tự hào của phụ nữ người Raglai.
Thanh Quang