Phước Thành phát huy hiệu quả mô hình Tộc họ tự quản

(NTO) Phước Thành là xã vùng giáp ranh của huyện Bác Ái, có 7 dòng họ sinh sống với khoảng trên 700 hộ dân. Trong đó có dòng họ Ka-dá là một trong số 2 tộc họ đầu tiên của huyện xây dựng mô hình tộc họ tự quản. Qua bước đầu thực hiện Quy ước tộc họ, không chỉ góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, cùng nhau xóa đói, giảm nghèo, mà đời sống văn hóa tinh thần, nhất là tình hình an ninh trật tự ngày càng được đảm bảo.

Tộc họ Ka-dá tại xã Phước Thành có 41 hộ sống chủ yếu nhờ vào sản xuất nông nghiệp. Trước đây do nhận thức còn hạn chế, sự ràng buộc huyết thống và tộc họ thiếu tính chặt chẽ nên tại địa phương vẫn thường xảy ra các vụ việc gây mất an ninh trật tự, như uống rượu say quậy phá, vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng...; các giá trị văn hóa truyền thống chưa được chú trọng phát huy, thêm vào đó là điều kiện kinh tế còn nhiều hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo còn cao... Xác định hướng đi mới trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc miền núi, trên cơ sở có sự hướng dẫn tạo điều kiện của chính quyền địa phương, tộc họ Ka-dá đã thống nhất xây dựng, thực hiện mô hình dòng họ tự quản. Theo đó, cùng thống nhất đề ra và thực hiện các quan hệ ứng xử theo quy ước trên tinh thần tự nguyện, có sự hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong đời sống sản xuất, thực hiện cam kết về đảm bảo ANTT, xây dựng đời sống văn hóa...

 
Một góc xã Phước Thành (Bác Ái). Ảnh: Văn Miên

Tộc trưởng Ka-dá Hiếu cho biết: Nhờ sự tích cực của Ban vận động, sự ý thức của các thành viên tộc họ, nên trong sản xuất có nhiều chuyển biến, năng suất cây trồng không ngừng tăng lên. Trong tộc họ, khi có công chuyện như đám cúng, đám cưới, xây nhà, thu hoạch thì mọi người đều xúm tay vào giúp đỡ, đưa phương tiện vận chuyển tới giúp không lấy tiền công. Ban vận động còn tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới các hộ dân, đưa các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào trong sản xuất, bài trừ các hủ tục lạc hậu, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Đối với những trường hợp có dấu hiệu vi phạm quy ước, không chấp hành pháp luật thì tổ chức giáo dục, răn đe, chấn chỉnh kịp thời trong tộc họ, không để xảy ra các vụ việc phức tạp.

Qua gần 2 năm tổ chức hoạt động, Ban vận động tộc họ đã tích cực bám sát quy ước của tộc họ, vận dụng quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy truyền thống đoàn kết, xây dựng “tình làng, nghĩa xóm” ngày thêm gắn bó. Toàn thể thành viên tộc họ đã phát huy trách nhiệm công dân, tích cực tham gia các hoạt động của cộng đồng, tham gia bảo vệ an ninh trật tự trong thôn xóm, không vi phạm pháp luật. Thông qua việc hỗ trợ nhau trong sản xuất như vần đổi công, hỗ trợ phương tiện sản xuất trong họ, số hộ nghèo giảm rõ rệt, số hộ khá, trung bình tăng nhanh. Nếu như trước đây trong tộc họ có đến 23 hộ nghèo, 6 hộ trung bình và chỉ có 3 hộ khá, thì đến nay với tinh thần chịu khó cùng nỗ lực vươn lên, trong tổng số 41 hộ của tộc họ đã có 23 hộ khá, 10 hộ trung bình.

Ông Nguyễn Văn Bền, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Bác Ái cho biết thêm: Tộc họ tự quản Ka-dá được đánh giá là mô hình tiêu biểu tại địa phương, qua đó đã làm giảm tỷ lệ hộ nghèo, trẻ em được quan tâm đi học đều, tệ nạn xã hội giảm, xóa dần các tập tục lạc hậu. Và trên hết đó là tình đoàn kết trong cộng đồng được phát huy, tinh thần tương trợ nhau trong cuộc sống được thể hiện. Phát huy mô hình tộc họ tự quản tại Phước Thành, sắp tới huyện sẽ vận động 6 tộc họ còn lại cùng học tập và thực hiện mô hình này để tạo sự chuyển biến trong xây dựng nông thôn miền núi.