Phát biểu với báo giới ngày 22-4 tại thủ đô Oasinhtơn (Washington), Đặc phái viên Mỹ về vấn đề nhân quyền tại Triều Tiên, Đại sứ Rôbớt Kinh (Robert King), khẳng định Chính phủ Mỹ sẽ xem xét yêu cầu viện trợ nếu Triều Tiên đưa ra. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh mọi yêu cầu như vậy cần phải cân bằng với nhu cầu từ các nước khác cũng như "khả năng giám sát việc phân phát lương thực" của Mỹ. Quan chức này nêu rõ giới chức Mỹ cần được phép tới Triều Tiên để đánh giá cũng như giám sát quá trình phân phối hàng viện trợ.
Về lý do khiến Mỹ tạm ngừng chương trình viện trợ lương thực cho Triều Tiên từ năm 2009, Đại sứ Kinh cho biết các quyết định này không liên quan đến vấn đề hạt nhân gây tranh cãi của Triều Tiên, mà chỉ xuất phát từ những quan ngại rằng không thể giám sát quá trình phân phối lương thực đến người dân. Mặc dù cuộc khủng hoảng lương thực tại Triều Tiên đã có dấu hiệu cải thiện, song theo báo cáo của các cơ quan Liên hợp quốc (LHQ), tại nhiều vùng nông thôn nước này vẫn tồn tại tình trạng thiếu ăn.
Từ cuối năm 2008 đến tháng 5-2009, Mỹ đã triển khai chương trình viện trợ lương thực cho Triều Tiên với hơn 170.000 tấn lương thực được chuyển tới nước này trong tổng số 500.000 tấn đã cam kết. Tuy nhiên, Oasinhtơn đã đình chỉ chương trình này sau khi Bình Nhưỡng trục xuất các nhân viên Mỹ được cử tới Triều Tiên để giám sát quá trình phân phát lương thực. Đến tháng 4-2012, Mỹ dự định nối lại viện trợ lương thực cho Triều Tiên đổi lại việc quốc gia Đông Bắc Á này chấm dứt các hoạt động phát triển hạt nhân, trong đó có làm giàu urani (uranium) và cho phép các thanh sát viên LHQ tới làm việc. Tuy nhiên, kế hoạch này đã không được thực hiện. Từ đó tới nay, Triều Tiên chưa đưa ra bất kỳ đề nghị nối lại viện trợ lương thực nào.
Theo TTXVN