IMF hối thúc các nền kinh tế phát triển khôi phục lòng tin

Ngày 20-4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã kêu gọi các nền kinh tế phát triển đẩy mạnh tăng trưởng và cải cách để tạo việc làm, đồng thời cảnh báo rằng lòng tin vào nền kinh tế toàn cầu đang giảm dần.

Trong cuộc họp báo tại Oasinhtơn (Washington) sau khi cuộc họp của Ủy ban Tài chính và Tiền tệ Quốc tế kết thúc, IMF cũng cảnh báo các nền kinh tế mới nổi và nhỏ hơn nên đẩy mạnh khả năng phòng vệ tài chính để đề phòng khả năng xảy ra rối loạn trên thị trường tài chính do các nền kinh tế phát triển thúc đẩy đang tăng trưởng thông qua các gói kích thích tiền tệ bất thường và lãi suất thấp.

Chủ tịch Ủy ban Điều hành của IMF Thaman Xanmugarátnam (Tharman Shanmugaratnam) cho biết kinh tế thế giới sẽ tiếp tục đối mặt với cuộc khủng hoảng lòng tin do châu Âu vẫn đang phải vật lộn với suy thoái và những cuộc khủng hoảng thứ yếu, trong khi Mỹ và Nhật Bản thiếu kế hoạch đáng tin cậy để giảm khoản nợ công khổng lồ và thâm hụt ngân sách. Lòng tin cần được củng cố hơn nữa bằng tính có thể dự đoán mạnh hơn trong các chính sách tài chính trung hạn.

Chủ tịch Xanmugarátnam cũng đã đề cập đến sự liên quan giữa những cải cách đang được hoàn tất tại những nền kinh tế phát triển với cuộc chiến giảm tỷ lệ thất nghiệp. Theo ông, chính sách tiền tệ đi cùng với các cải cách cấu trúc tạo cơ hội cho những người trẻ tuổi tìm được việc làm, đồng thời giúp các công ty tăng sản lượng và mang lại sự thành công. Ông cũng cảnh báo trong khi các nền kinh tế phát triển bơm tiền ra để khích thích tăng trưởng thì các nền kinh tế khác cần phải xây dựng "các lớp đệm tài chính" để bảo vệ mình khỏi tình trạng bong bóng của thị trường bất động sản và tránh những bất lợi khi họ đưa ra chính sách thắt chặt tiền tệ sau đó.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc IMF, bà Crixtin Lagácđơ (Christine Lagarde) đã hối thúc Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Nhật Bản có những bước đi mạnh mẽ hơn nữa để khôi phục lòng tin trong tương lai về sự tăng trưởng bền vững. Bà nhấn mạnh, kinh tế toàn cầu đã thoát khỏi tình trạng tồi tệ nhất nhưng điều này không có nghĩa là không còn rủi ro và tăng trưởng tại các khu vực sẽ ở các mức khác nhau. Do vậy, IMF sẽ tập trung vào các cải cách sau khủng hoảng và tiến trình tăng trưởng có giới hạn.

Theo TTXVN