Trước tình hình số trường hợp mắc và tử vong do cúm A/H7N9 tại Trung Quốc đang gia tăng, Việt Nam đã chuẩn bị các phương án để ứng phó kịp thời khi dịch bệnh xảy ra.
Phun thuốc khử trùng các phương tiện nhập cảnh từ Trung Quốc vào
Cửa khẩu quốc gia Thanh Thủy. Ảnh: Minh Tâm - TTXVN
Thời gian tới, ngành y tế tiếp tục triển khai công tác kiểm dịch y tế biên giới; tăng cường giám sát các trường hợp mắc bệnh viêm phổi nặng nghi do virus tại các cơ sở y tế và cộng đồng, kịp thời lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; chỉ đạo hệ thống khám chữa bệnh thiết lập mạng lưới, sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân, phát hiện sớm trường hợp mắc để điều trị kịp thời; phục vụ tốt cho công tác cách ly, xử lý dịch tại cộng đồng tránh lây lan và giảm tử vong.
Đồng thời, ngành tiếp tục đôn đốc các tỉnh chưa phê duyệt kế hoạch phòng chống dịch bệnh, khẩn trương xây dựng kế hoạch liên ngành phòng chống dịch cúm A/H7N9 và cúm A/H5N1; phối hợp với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và sự lưu hành của vi rút cúm A/H7N9 và cúm A/H5N1 trên các đàn gia cầm; xử lý triệt để ổ dịch và triển khai các hoạt động phòng chống dịch lây lan sang người; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về tình hình dịch bệnh, vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ gia cầm...
Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Trần Đắc Phu cho biết: Tại Việt Nam, từ đầu năm 2013 đến nay ghi nhận 2 trường hợp nhiễm cúm A/H5N1 tại Đồng Tháp và Long An, trong đó trường hợp tại Đồng Tháp đã tử vong. Theo kết quả giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp cho thấy có 28/335 mẫu dương tính với vi rút cúm; trong đó cúm A/H3N2 là 8 mẫu, cúm A/H1N1 9 mẫu và cúm B là 11 mẫu. Riêng đối với các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nặng, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đã xét nghiệm 81 mẫu bệnh phẩm; kết quả không có trường hợp nào dương tính với cúm A/H7N9 và cúm A/H5N1.
Theo báo cáo của 6 tỉnh, thành phố trọng điểm (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Lào Cai và Lạng Sơn) cho thấy: Tổng số hành khách nhập cảnh từ Trung Quốc được giám sát là 35.183 người. Kết quả chưa ghi nhận trường hợp nào nghi ngờ cúm A/H7N9.
Ông Trần Đắc Phu cũng nhấn mạnh: Nguy cơ dịch bệnh cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam là rất lớn do là chủng virus này có nguồn gốc gen từ virus cúm gia cầm và cũng phát hiện virus cúm A/H7N9 trên chim bồ câu ở Trung Quốc; đặc tính của virus cúm A là dễ biến đổi có tính tích nghi cao nên nguy cơ lây từ người sang người là có thể xảy ra.
Tổ chức Y tế Thế giới chưa loại trừ khả năng cúm A/H7N9 lây truyền từ người sang người trong phạm vi hẹp do đã ghi nhận một số chùm ca bệnh. Hiện nay, chưa xác định rõ nguồn gốc, phương thức lây truyền của cúm A/H7N9, do đó việc kiểm soát dịch bệnh, triển khai các biện pháp phòng chống rất khó khăn.
Bên cạnh đó, hiện nay cộng đồng chưa có miễn dịch, chưa có vaccine phòng bệnh, không có thuốc điều trị đặc hiệu. Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia có đường biên giới trải dài với Trung Quốc; việc buôn bán, nhập lậu gia cầm và sản phẩm gia cầm rất khó kiểm soát, việc giao lưu đi lại qua biên giới của người dân rất lớn.
Nguồn Báo Tin tức - TTXVN