Sau hơn 13 năm kể từ ngày dự án quốc gia VINASAT-1 được khởi xướng (năm 1995), đúng 5h17 phút ngày 19/4/2008 (giờ địa phương) từ Kourou (French Guiana), vệ tinh thương mại đầu tiên của Việt Nam VINASAT-1 đã được phóng thành công lên quỹ đạo. Đây là sự kiện lịch sử của ngành viễn thông Việt Nam, đánh dấu việc Việt Nam sẽ có chủ quyền trên quỹ đạo không gian, bắt đầu kỷ nguyên chinh phục vũ trụ của người Việt và Việt Nam hoàn thiện mạng lưới thông tin liên lạc quốc gia. VINASAT-1 có tổng giá trị đầu tư hơn 200 triệu USD, thời gian hoạt động 15 năm được giao cho Tập đoàn VNPT là chủ đầu tư xây dựng và triển khai.
Ý nghĩa của việc phóng vệ tinh VINASAT-1 và VINASAT-2 với Việt Nam như thế nào, thưa ông?
Việc phóng vệ tinh VINASAT-1 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc hoàn chỉnh hệ thống viễn thông Việt Nam, khi trước đó đã có thông tin vô tuyến, thông tin hữu tuyến, thông tin mặt đất, thông tin mặt biển và nay có thêm vệ tinh viễn thông. Nó có tác dụng chủ động trong việc kết nối với vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo mà trước đó chúng ta không thể thực hiện được bằng các hệ thống thông tin mặt đất.
Ý nghĩa thứ 2 là giúp chúng ta chủ động được trong việc đảm bảo an ninh quốc phòng, đặc biệt là các nhiệm vụ ở vùng biên giới, hải đảo và trên biển.
Cuối cùng, việc phóng VINASAT cũng giúp chúng ta khẳng định được chủ quyền về quỹ đạo vệ tinh, về tần số vô tuyến điện.
Quy mô của vệ tinh VINASAT-1 và VINASAT-2 của Việt Nam như thế nào, thưa ông ?
VINASAT-1 được phóng lên quỹ đạo ngày 19/4/2008 với 20 bộ phát đáp (8 bộ băng tần C, 12 bộ băng tần Ku). Nhờ vệ tinh này, chúng ta có thể cung cấp dịch vụ từ không gian cho dịch vụ truyền hình, dịch vụ kết nối điện thoại cũng như các dịch vụ vô tuyến khác. Còn VINASAT-2 được phóng vào tháng 5/2012 và có 24 bộ phát đáp của băng tần Ku.
Thưa ông, chúng ta đã chuẩn bị quỹ đạo cho vệ tinh thứ 3 của Việt Nam hay chưa?
Chúng ta đang tiếp tục nghiên cứu đăng ký quỹ đạo và tiếp tục phối hợp để khi có điều kiện hay có yêu cầu thì sẽ có quỹ đạo để phóng vệ tinh thứ 3 của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu đăng ký mà chúng ta không dùng thì sau 7 năm Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) sẽ xóa bỏ đăng ký, dù việc đăng ký, phối hợp rất tốn kém vì phải đi đàm phán với các nước để họ chấp nhận điều kiện nhiễu của Việt Nam cũng như không gây nhiễu lẫn nhau.
Tuy nhiên, chúng ta chưa có bất kì kế hoạch chi tiết nào về vệ tinh thứ 3 của Việt Nam sau VINASAT-1 và VINASAT-2. Nhưng do quỹ đạo là tài nguyên có hạn nên chúng ta cứ tiến hành đăng ký và đặt chỗ để khi có cơ hội sẽ triển khai.
Việc phóng hay không phóng vệ tinh sẽ phụ thuộc vào nhu cầu thị trường của doanh nghiệp và cho đến hiện giờ, cơ quan quản lý chưa nhận được bất kì yêu cầu nào của doanh nghiệp.
Ngoài việc đăng ký vị trí cho vệ tinh viễn thông, Cục Tần số đã tích cực trong việc phối hợp tần số chuẩn bị vị trí quỹ đạo cho vệ tinh viễn thám mà chúng ta sẽ phóng vào tháng 5/2013 tới đây, để thăm dò, chụp ảnh.. trái đất phục vụ công tác phòng chống bão lụt, thiên tai...
Nhu cầu về sử dụng dung lượng của vệ tinh khá lớn, đặc biệt trong bối cảnh phát triển của truyền hình tăng cao. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế của Việt Nam, mức độ yêu cầu sử dụng vệ tinh không quá lớn nên dung lượng vệ tinh VINASAT-1, VINASAT-2 sẽ đáp ứng được trong thời gian khá dài. Vì vậy, theo Cục Tần số, với nhu cầu sử dụng hiện tại, ít nhất trong vòng 5 năm tới có thể sẽ không phát sinh nhu cầu sử dụng thêm dung lượng vệ tinh ngoài 2 quả vệ tinh đã phóng. Mặc dù vậy, Cục cũng không loại trừ khả năng trong tương lai sẽ phát sinh thêm nhu cầu mới và quãng thời gian sẽ ngắn lại.
Ông đánh giá vai trò của Việt Nam như thế nào trong việc làm chủ lãnh địa không gian vệ tinh sau khi Việt Nam phóng thành công hai vệ tinh VINASAt 1 và VINASAT 2 ?
Việt Nam là nước thứ 7 ở khu vực ASEAN và hiện thực hóa mơ ước có vị trí, chủ quyền trong trên quỹ đạo vệ tinh. Qua VINASAT-1 và VINASAT-2, Việt Nam đã tự chủ được thông tin vệ tinh của mình trong phát thanh truyền hình... và nhất là an ninh quốc phòng, bởi vì chúng ta không thể sử dụng vệ tinh của nước ngoài để bảo vệ an ninh quốc phòng Việt Nam.
Cám ơn ông!
Nguồn ICTnews