Chủ động hợp tác quốc tế về KHCN

Theo nhận định của Ban chỉ đạo Quốc gia hội nhập quốc tế về giáo dục và khoa học, công nghệ (KHCN), thời gian qua việc hợp tác quốc tế về giáo dục, KHCN đã từ chỗ thụ động, chỉ dựa vào viện trợ không hoàn lại, chuyển dần sang thế chủ động, tích cực, bình đẳng cùng có lợi.

 
Phiên họp Ban chỉ đạo Quốc gia hội nhập quốc tế về giáo dục
và khoa học, công nghệ, chiều 16/4. Ảnh: VGP/Từ Lương

Đến nay Việt Nam đã có quan hệ hợp tác KHCN với gần 70 nước, là thành viên của 100 tổ chức quốc tế về KHCN, ký kết và thực hiện hơn 80 Nghị định thư hợp tác KHCN cấp Chính phủ, cấp Bộ. Thông qua hợp tác quốc tế về KHCN với các nước có nền khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới như Nga, Hoa Kỳ, Nhật Bản, CHLB Đức… Việt Nam đã đạt được nhiều thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu tiên tiến, công nghệ vũ trụ, năng lượng nguyên tử và năng lượng mới…

Thời gian qua, một số tổ chức hợp tác theo mô hình như vậy đã được thiết lập như: Trung tâm công nghệ xuất sắc phối hợp giữa Đại học Bách khoa Đà Nẵng và Công ty IBM Việt Nam; Trung tâm nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử.

Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân cho biết, trong thời gian tới hoạt động hợp tác về giáo dục, KHCN sẽ tập trung vào các lĩnh vực: công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ hạt nhân, công nghệ vũ trụ và hải dương học.

Tại phiên họp Ban chỉ đạo Quốc gia hội nhập quốc tế về giáo dục và KHCN, chiều 16/4, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ, để công tác hội nhập quốc tế về KHCN đạt được nhiều kết quả hơn nữa thì cần xác định phương thức hợp tác hiệu quả và phù hợp hơn với thực tế của giai đoạn mới thông qua việc hợp tác nghiên cứu với các đối tác trọng điểm có công nghệ nguồn cần khai thác, giải mã và chuyển giao công nghệ; thu hút trí thức người nước ngoài tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học.

Phó Thủ tướng gợi ý, đơn vị thực hiện việc hợp tác quốc tế về khoa học cần thực hiện thông qua các cơ sở có sẵn trong đó hai Viện hàn lâm Khoa học Công nghệ và Viện Khoa học Xã hội, hai Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh là trụ cột. Ngoài ra, cần lập kế hoạch hình thành các trung tâm nghiên cứu xuất sắc để báo cáo Ban chỉ đạo xem xét, đồng thời tìm kiếm, vận động các đối tác nước ngoài hợp tác trong việc xây dựng các trung tâm này để tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đến năm 2020.

Phó Thủ tướng giao Văn phòng Ban chỉ đạo khẩn trương xây dựng dự thảo quy chế hợp tác KHCN với các quốc gia gắn với cơ chế tài chính cụ thể; trong tháng 6/2013, Ban chỉ đạo chuẩn bị chương trình nghiên cứu hợp tác về văn hóa và ngôn ngữ trong quá trình toàn cầu hóa, nghiên cứu hợp tác kinh tế và phát triển vùng gắn với xây dựng cộng đồng quốc tế ở Việt Nam.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng cho ý kiến chỉ đạo cụ thể về chương trình hợp tác KHCN với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel, Ấn Độ.

Một số thành tựu về hợp tác quốc tế về giáo dục, KHCN thời gian qua:

- Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ LĐTBXH xây dựng Đề án hội nhập quốc tế về giáo dục và dạy nghề đến năm 2020.

- Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đã mời được nhiều giáo sư, nhà khoa học đoạt giải Nobel về Kinh tế, Y học, Hóa học, Vật lý... đến thăm và làm việc tại Việt Nam.

- Ký kết hợp tác với Italia nhằm thúc đẩy Chương trình hành động về giáo dục giữa Việt Nam và Italia, xây dựng các khóa đào tạo liên kết trình độ Thạc sĩ và Tiến sĩ.

- Ký kết hợp tác với Hungary về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân.

- Tổ chức thành công Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á lần thứ 47 (SEAMEC 47).

- Ký kết văn bản hợp tác phát triển nguồn nhân lực với CHLB Đức.

- Bộ Giáo dục và Đào tạo đang hoàn thành các thủ tục cần thiết để thành lập Ban soạn thảo Đề án xây dựng các trường đại học trình độ quốc tế đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

- Đẩy mạnh hợp tác với Liên bang Nga, dự án thành lập trường Đại học Việt-Nga.

Nguồn chinhphu.vn