Khoa học & Công nghệ: Đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh

(NTO) Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, trong thời gian qua, ngành KH&CN tỉnh nhà tiếp tục được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và hỗ trợ của Trung ương; sự nỗ lực và trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là của đội ngũ cán bộ khoa học trong tỉnh, hoạt động KH&CN đã đạt những kết quả quan trọng.

Đồng chí Lê Kim Hùng
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ

Lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn

Nhiều kết quả nghiên cứu đã góp phần giải quyết những vấn đề quan trọng cung cấp luận cứ khoa học trong việc hoạch định các chủ trương, giải pháp phát triển KT-XH, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, điển hình như các đề tài: Xây dựng chữ viết, sách dạy và học, từ điển tiếng Raglai; Từ điển Việt Chăm- Chăm Việt; văn hóa phi vật thể các tộc người Raglai, người Chăm, người Kinh; xây dựng mô hình xã hội học tập; xây dựng giáo trình lịch sử địa phương; địa danh ở tỉnh Ninh Thuận qua các thời kỳ,...

Lĩnh vực Khoa học tự nhiên

Đã có 30 đề tài, dự án, với 47 sản phẩm được chuyển giao, triển khai ứng dụng vào sản xuất và đời sống, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn; đã tuyển chọn, đánh giá, hoàn thiện một số loại giống cây trồng, vật nuôi đặc thù của tỉnh như: giống nho ăn tươi, nho làm rượu, táo xanh, bắp, mì, đậu, rong biển, măng tây xanh, cừu, trùn quế, heo địa phương,..; nhân rộng các phương pháp canh tác, sản xuất tiến bộ, thay đổi các tập quán canh tác lạc hậu của đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực nông thôn, miền núi (mô hình sản xuất sạch hơn, mô hình trồng rau an toàn, trồng lúa “1 phải 5 giảm”,..; một số thành tựu trong ứng dụng và hoàn thiện công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh, chế biến và bảo quản sau thu hoạch: Điều chế 4 loại chế phẩm sinh học, phân hữu cơ vi sinh, trích ly hoạt chất trong cây neem làm nguyên liệu điều chế thuốc bảo vệ thực vật, phân bón sinh học; chế biến mứt nho, vang nho, thực phẩm từ rong sụn, ứng dụng Biogas composite giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ứng dụng năng lượng mặt trời cho các hộ dân và trang trại xa lưới điện quốc gia và văn phòng UBND tỉnh,... điều tra, đánh giá trữ lượng, chất lượng, tiềm năng tài nguyên nước, đất, khoáng sản, động thực vật làm luận cứ cho việc quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, thu hút các dự án đầu tư phát triển KT-XH của tỉnh như: nghiên cứu xây dựng hệ thống cảnh báo lũ lụt, hạn hán; mô hình trình diễn ngăn ngừa thoái hóa đất; nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực cho địa phương trong việc thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu,...

Trong triển khai nhiệm vụ nghiên cứu mới, ngành KH&CN đã chủ trương giảm thiểu số lượng, tập trung đầu tư đảm bảo chất lượng các đề tài, dự án KH&CN mang tính bức thiết trong quản lý nhà nước; tạo ra được các sản phẩm KH&CN có tính mới, tính khả thi, tính nhân rộng và có đơn vị ứng dụng ngay kết quả, đáp ứng các nhu cầu phát triển KT-XH của địa phương, như đề tài: Dự báo nhiễm mặn và các giải pháp khắc phục tình trạng nhiễm mặn đất, nước mặt, nước ngầm tại đồng muối Quán Thẻ; nghiên cứu công nghệ xử lý nước thải chế biến cá cơm khô hấp tại các làng nghề; nghiên cứu sử dụng nước ót trong sản xuất muối thay thế một số hóa chất trong công nghiệp xử lý nước thải; nghiên cứu chế biến một số sản phẩm từ cây măng tây xanh trồng tại các địa phương; nghiên cứu xây dựng và chuyển giao quy trình thâm canh giống nho mới NH01-152 theo hướng ViệtGAP...

 
Nhiều nông hộ áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm mang lại hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.
Ảnh: Văn Miên

Khoa học kỹ thuật và công nghệ

Đóng góp tích cực vào việc nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa, cải thiện năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh. Triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về KH&CN với nhiều hoạt động, như: tham gia chợ thiết bị, công nghệ; phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học, trung tâm giới thiệu các công nghệ thiết bị mới, hiện đại, phù hợp để các doanh nghiệp tiếp cận, tạo điều kiện đổi mới công nghệ thiết bị, hỗ trợ về bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo chuẩn ISO,... Với nỗ lực hỗ trợ của ngành, nhận thức của doanh nghiệp về KH&CN có chuyển biến và số lượng doanh nghiệp tham gia tăng cao rõ rệt. Nếu từ năm 2005 - 2010 chỉ có 14 doanh nghiệp được hỗ trợ về KH&CN thì trong 2 năm (2011 – 2012) đã có 43 doanh nghiệp, đơn vị được hỗ trợ về KH&CN.

Ứng dụng tiến bộ KH&CN vào cơ sở là một trong những hoạt động có nhiều ý nghĩa, ngành đã đầu tư triển khai 20 mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tế sản xuất trên địa bàn 7 huyện, thành phố. Với nguồn vốn đầu tư ít, quy mô nhỏ, nhưng thông qua các mô hình này, nhiều tiến bộ kỹ thuật có tính thực tiễn, trực quan cao đã thu hút được nhiều người dân tham gia, trực tiếp tạo ra những sản phẩm có chất lượng, năng suất vượt trội. Các mô hình này đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về phương thức sản xuất tiên tiến trong nông dân, giảm dần các tập quán canh tác, sản xuất lạc hậu ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Triển khai các dự án của các tổ chức phi chính phủ tài trợ, như: Dự án trình diễn mô hình quản lý bền vững tài nguyên rạn san hô ở vùng biển ven bờ huyện Ninh Hải; Dự án bảo tồn và phát triển nghề thuốc Nam của người Chăm.

Tiềm lực Khoa Học & Công Nghệ

Hiện có 13 tổ chức được cấp giấy phép hoạt động KH&CN. Năng lực các Trung tâm nghiên cứu ứng dụng, các phòng phân tích, thí nghiệm được đầu tư nâng cấp. Tổ chức quản lý Nhà nước về KH&CN được kiện toàn, triển khai công tác quản lý KH&CN đến cấp huyện; các cơ chế, chính sách đối với KH&CN của tỉnh có nhiều đổi mới và hoàn thiện; đội ngũ cán bộ KH&CN không ngừng phát triển về số lượng và nâng dần chất lượng.

Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động KH&CN phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, yếu kém đó là: Trình độ phát triển KH&CN của tỉnh còn thấp, chưa thể hiện được vai trò nền tảng, động lực phát triển KT-XH. Tiềm lực KH&CN còn thiếu và yếu, chưa có doanh nghiệp KH&CN. Đầu tư ngân sách cho hoạt động KH&CN chưa đáp ứng được yêu cầu, hiệu quả sử dụng chưa cao; cơ chế tài chính còn chưa hợp lý; các doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư nhiều cho KH&CN. Chất lượng đội ngũ cán bộ KH&CN chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu chuyên gia giỏi.

Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của ngành KH&CN trong thời gian tới là tập trung tham mưu UBND tỉnh xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 175-CTr/TU ngày 11-3-2013 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1-11-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII.

Các sản phẩm chế biến từ rong sụn tăng giá trị nông sản của nông dân. Ảnh: Thanh Quang

Trong đó, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ về cơ chế quản lý, phương thức đầu tư và cơ chế tài chính; hệ thống tổ chức KH&CN; cơ chế hoạt động của các tổ KH&CN; quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, cơ chế, chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ KH&CN; kiện toàn, nâng cao năng lực bộ máy quản lý Nhà nước về KH&CN.

Triển khai các định hướng nhiệm vụ KH&CN chủ yếu: nghiên cứu cung cấp luận cứ khoa học phục vụ hoạch định đường lối, chính sách phát triển KT-XH hội của tỉnh; nghiên cứu ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống trên các lĩnh vực xã hội và nhân văn, tự nhiên, kỹ thuật - công nghệ.

Hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới và ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng KH&CN ở cơ sở, nhất là trong các ngành nông nghiệp, y tế, công nghiệp, xây dựng, giao thông, tài nguyên và môi trường. Triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Tập trung vốn đầu tư xây dựng Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN và nâng cấp phòng phân tích, kiểm nghiệm; xây dựng Trại thực nghiệm nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Kỹ thuật đo lường-chất lượng.

Chủ động xây dựng và tìm hiểu, nắm bắt thông tin về các chương trình, dự án hợp tác quốc tế về KH&CN của Chính phủ, bộ, ngành, các viện nghiên cứu để đề xuất triển khai các hợp phần công việc phù hợp trên địa bàn tỉnh.