Tỉnh ta có diện tích đất tự nhiên 3.358,3 km2, trong đó đất lâm nghiệp chiếm phần lớn với 186.928 ha, còn đất sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm gần 70.000 ha. Tuy diện tích tự nhiên không lớn, nhưng tỉnh ta lại có các vùng khí hậu đa dạng hình thành nên 3 tiểu vùng kinh tế rõ rệt, gồm: vùng biển, vùng đồng bằng và miền núi gắn với các tiềm năng, lợi thế để phát triển toàn diện ngành Nông, Lâm nghiệp, Thủy sản và Muối theo hướng tập trung, có năng suất, chất lượng cao. Dựa trên đặc điểm này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã phối hợp với Phân viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp miền Trung (Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp, Bộ NN&PTNT) lập chiến lược Quy hoạch tổng phát triển ngành Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản của tỉnh, giai đoạn 2011 – 2020 và đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt. Mục tiêu của Quy hoạch nhằm huy động tốt nhất các nguồn lực để khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, xây dựng nên các vùng chuyên canh về nuôi trồng, cụm nông nghiệp công nghệ cao và sản xuất hàng hóa tập trung để nâng cao giá trị sản phẩm và khả năng cạnh tranh thị trường, tạo việc làm và tăng thu nhập cho nông dân.
Nông dân thôn Từ Thiện, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam thu hoạch tôm xú. Ảnh: Thanh Long
Để thực hiện các mục tiêu Quy hoạch theo phương án phát triển đã chọn, Sở NN&PTNT đã đề ra 6 nhóm giải pháp mang tính đột phá để nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành. Theo đó, ngoài việc tranh thủ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ trong lĩnh vực phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, ngành tăng cường triển khai đồng bộ các chương trình, dự án, áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản theo quy trình VietGAP. Khuyến khích và hỗ trợ nông dân thực hiện dồn điền đổi thửa để xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung; vận động các doanh nghiệp đầu tư, liên doanh, liên kết với các hợp tác xã, nông hộ bằng chính sách ưu đãi vay vốn, để vừa hợp tác sản xuất vừa gắn với tiêu thụ sản phẩm đối với 8 loại cây trồng chính đã được xác định đó là: Lúa, bắp, mì, mía, thuốc lá, nho, táo và cây cao su.
Cùng với đó, ngành tập trung xây dựng các chương trình, dự án có tính đột phá trong nông, lâm nghiệp, thủy sản bằng việc xây dựng, phát triển cụm nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Thuận Bắc với quy mô từ 100 – 200 ha, sau đó phát triển ra các vùng khác. Có chính sách đầu tư, hỗ trợ đầu tư, kêu gọi các dự án đầu tư trong sản xuất tôm giống, nuôi tôm thương phẩm, nuôi trồng trên biển. Tiếp tục hỗ trợ sản xuất, xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mở rộng sản xuất các cụm nông nghiệp công nghệ cao, hình thành các vùng sản xuất rau an toàn, cây hành, cây tỏi theo hướng hàng hoá tập trung ở địa bàn Tp.Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Hải và vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản ở Ninh Sơn, với diện tích 300 ha. Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi về giao đất, cho thuê đất đối với các hộ gia đình và cá nhân có nhu cầu đầu tư phát triển trang trại và thực hiện chính sách cấp phát giống cây trồng, vật nuôi cho các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; phát triển rộng rãi các hình thức chăn nuôi gia súc theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp gắn với việc khống chế có hiệu quả các dịch bệnh để tăng năng suất và chất lượng đàn, đến năm 2015 đưa tổng đàn lên 4.200 con và đến năm 2020 lên 5.550 con.
Nông dân xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước thu hoạch táo.
Ở lĩnh vực đầu tư hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn, ngoài việc phát triển hệ thống thuỷ lợi, giao thông nông thôn, công trình nước sạch, ngành sẽ có chính sách hỗ trợ về cơ giới hoá nông nghiệp, tạo điều kiện cho nông dân trang bị máy móc trong sản xuất, chế biến và bảo quản nông sản. Đặc biệt, để giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, ngoài việc cải tạo, nâng cấp Nhà máy Chế biến tinh bột mì lên 10.000 tấn sản phẩm/năm, Nhà máy Đường Phan Rang công suất ép lên 1.500 tấn mía cây/ngày, tỉnh sẽ kêu gọi và khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng các nhà máy mới về chế biến nông sản và chế biến sản phẩm chăn nuôi tại các khu, cụm công nghiệp, như: Nhà máy chế biến rượu vang nho, công suất 3 triệu lít/năm và 5.000 tấn sản phẩm khác; nhà máy chế biến bột cá 2.000 tấn/năm; nhà máy chế biến thịt đóng hộp, công suất 5.000 tấn sản phẩm/năm; nhà máy chế biến thức ăn gia súc quy mô 25.000 tấn sản phẩm/năm... Phấn đấu đến năm 2020, đưa tốc độ tăng trưởng của toàn ngành đạt 6,5%/năm, GDP ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 20% GDP toàn tỉnh. Cơ cấu sản xuất chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp xuống còn 58,4% và tăng giá trị sản xuất thủy sản lên 40,9%. Đưa tỷ trọng chăn nuôi từ 27,5% năm 2010 lên 33,9% (năm 2020); tăng tỷ trọng nuôi trồng, dịch vụ từ 25,2% năm 2010 lên 38,6% (năm 2020) và giảm tỷ trọng đánh bắt, khai thác thủy sản từ 58,4% (năm 2010) xuống còn 36,1% (năm 2020).
Đồng chí Lưu Khoan, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Trong các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu trên, ngành Nông nghiệp xác định trước hết phải quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực, cụ thể là tăng cường đào tạo nâng cao trình độ khoa học-kỹ thuật, trình độ quản lý cho đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị cơ sở. Phấn đấu đến năm 2020, 100% các chức danh trong hệ thống chính trị cơ sở được chuẩn hóa. Đối với khu vực nông thôn sẽ tập trung đào tạo về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, bảo vệ thực vật, thú y... để đến năm 2020, trong số 60% lao động nông thôn có tới 45% đã qua đào tạo. Bên cạnh đó, ngành sẽ cụ thể hóa các chỉ tiêu thành kế hoạch phát triển 5 năm, hàng năm để từng bước khai thác có hiệu quả các thế mạnh của địa phương và đáp ứng các yêu cầu của thị trường, hướng đến xây dựng tỉnh ta trở thành một tỉnh có nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, phát triển toàn diện.
Từ những mục tiêu, định hướng mới trong quy hoạch đã mở ra, cùng với quyết tâm cao của toàn ngành Nông nghiệp, tin rằng chiến lược Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản của tỉnh giai đoạn 2011 – 2020 sẽ nhanh chóng trở thành hiện thực.
Theo quy hoạch, về trồng trọt: Huyện Ninh Phước và Tp.Phan Rang– Tháp Chàm được xác định là vùng sản xuất lúa tập trung với quy mô từ 9.000 – 9.500 ha; huyện Ninh Sơn được xác định là vùng sản xuất mì tập trung với quy mô 1.500 ha; hai huyện Ninh Sơn, Bác Ái được xác định là vùng sản xuất mía tập trung, với quy mô 2.000 ha; các huyện Ninh Phước, Thuận Nam và Tp.Phan Rang – Tháp Chàm được xác định vùng sản xuất nho tập trung, với quy mô 1.500 ha; huyện Ninh Sơn, Ninh Phước được xác định là vùng sản xuất thuốc lá sợi vàng, với quy mô 1.000 ha; huyện Thuận Nam được xác định vùng trồng neem tập trung, với quy mô 1.500 ha; huyện Bác Ái và Ninh Sơn là vùng trồng cây cao su, với quy mô từ 6.000-7.000 ha. Đối với chăn nuôi sẽ chọn 4 huyện Ninh Sơn, Ninh Phước, Thuận Nam và Thuận Bắc để xây dựng khu chăn nuôi heo và gia cầm tập trung, với quy mô 415 ha theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp. Về thủy sản sẽ xây dựng 154 ha nuôi cá nước ngọt hàng hóa tập trung ở 3 huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Ninh Hải; 400 ha nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát ở huyện Ninh Phước; 600 ha nuôi tôm thẻ, tôm sú ở Đầm Nại và xây dựng xã An Hải của huyện Ninh Phước trở thành vùng sản xuất giống thủy sản tập trung, với sản lượng 10 tỷ con giống/năm. Về diêm nghiệp, phấn đến năm 2020 ổn định diện tích đất sản xuất muối 3.900 ha, sản lượng muối hạt ước đạt 475.600 tấn.
Văn Thanh