Bộ đồ dùng dạy học phát triển ngôn ngữ cho trẻ

(NTO) Trong Hội thi Đồ dùng dạy học đồ chơi tự làm mầm non cấp tỉnh vừa qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thuận Nam đã giới thiệu bộ đồ dùng phát triển ngôn ngữ cho trẻ (BĐDPTNN) rất ấn tượng và được Ban tổ chức đánh giá cao. Đặc biệt, đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, BĐDPTNN là phương pháp dạy học giúp trẻ tiếp cận tiếng Việt nhanh và hiệu quả.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Thuận Nam có 7 trường mầm non và mẫu giáo, với 53 lớp, tiếp nhận 1.293 trẻ theo học, trong đó học sinh dân tộc Chăm và Raglai chiếm 34%. Trước đây, để giúp trẻ hiểu bài, các cô giáo phải dùng ngôn ngữ, hình ảnh minh họa, một số trẻ em dân tộc thiểu số tiếp thu bài chậm và vẫn sử dùng tiếng mẹ đẻ để trả lời cô giáo.

 
Trường Mẫu giáo Phước Ninh áp dụng rất hiệu quả Bộ đồ dùng dạy học phát triển ngôn ngữ cho trẻ.

Cô Phan Thị Thu chuyên viên Giáo dục mầm non Phòng GD&ĐT huyện cho biết, BĐDPTNN cho trẻ được các trường mầm non và mẫu giáo trong huyện đưa vào giảng dạy cách đây 2-3 năm và đạt hiệu quả cao. Thay vì chỉ giảng dạy bằng tranh ảnh, bộ đồ dùng dạy học này giúp các em tiếp thu bài nhanh và nhớ lâu hơn, giờ học cũng trở nên sinh động. Như trong tiết học kể chuyện thông thường, cô giáo có nhiệm vụ vừa kể, vừa đóng vai nhân vật. Trong khi, mỗi lớp chỉ có hai giáo viên, nếu câu chuyện có nhiều nhân vật thì sẽ gặp khó khăn, một người phải đóng 2 -3 vai, nên làm ảnh hưởng đến bài học. Nhưng với bộ đồ dùng học tập như sân khấu rối (các cô dùng xốp, giấy tạo thành nhân vật, dùng vải làm sân khấu), các bé tham gia vào vai nhân vật trong chuyện như chú thỏ, chó sói…. Được đóng vai của các nhân vật, các bé sẽ hoạt động sôi nổi, hào hứng, không còn thụ động và nhớ cốt truyện lâu hơn, tiết học sẽ sinh động và hấp dẫn.

BĐDPTNN cho trẻ có 2 dạng: Làm quen Văn học (đọc thơ và kể chuyện) và làm quen chữ cái (giúp trẻ phát âm đúng 24 chữ cái). Tuỳ thuộc vào các môn học, các cô giáo sáng tạo ra những bộ đồ dùng khác nhau. Chỉ bằng giấy vụn, xốp, vỏ chai, vỏ lon, giáo viên mầm non đã sáng tạo ra những bộ đồ dùng dạy học phong phú, tạo sự hấp dẫn cho các cháu.

Nổi bật là Trường Mẫu giáo Phước Ninh với 10 bộ đồ dùng học tập, cô Lâm Tố Ngọc, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Nhà trường đã đưa bộ đồ dùng học tập này vào giảng dạy cách đây 2 năm, hiệu quả rất rõ rệt. Với những bộ đồ dùng khác nhau trong mỗi giờ lên lớp đều tạo cho các cháu niềm thích thú. Các cháu sôi nổi hơn trong giờ học, khi cô hỏi bài thì phát biểu nhanh hơn. Đặc biệt đối với trẻ em đồng bào Chăm, bộ đồ dùng này giúp các cháu tiếp thu bảng chữ cái dễ dàng và nhớ lâu hơn, khả năng sử dụng tiếng Việt của các cháu được cải thiện rõ rệt.

 Với bộ đồ dùng dạy học này, các bé “vừa học vừa chơi” không gây nhàm chám, tạo sự thích thú cho trẻ. Vì vậy, Phòng GD&ĐT Thuận Nam khuyến khích các trường sử dụng BĐDPTNN trên vào dạy để minh hoạ cho bài học hấp dẫn hơn. Trong thời gian tới, phòng cũng sẽ nhân rộng mô hình này đến các trường mẫu giáo và mầm non trong toàn huyện.