Đồng chí Lê Anh Tuyên, cán bộ hưu trí (phường Bảo An, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm): Ninh Thuận đã gắn kết cả đời mìnhTròn 18 tuổi, tôi rời vùng quê xã Hưng Nhân, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng lên đường nhập ngũ ngày 28-4-1966. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ rõ mồn một hình ảnh buổi chia tay với gia đình, bạn bè và không khí náo nức của nhà ga Hải phòng. Tháng 6-1967 tôi cùng đơn vị có mặt tại chiến khu Bác Ái- vùng đất của Ninh Thuận sau khi vượt qua sông Ông, sông Cái trơn trợt rong rêu và đá nhô lởm chởm.
Tham gia trận đầu là đánh phá cuộc bầu cử năm 1967 tại Tầm Ngân. Tháng 10-1967 đơn vị tập trung về chiến khu Anh Dũng, tôi được biên chế vào Đại đội 3 Tiểu đoàn 610 và tham gia trận đánh Hoài Trung. Cuối năm ấy, trong buổi học chính trị, các đồng chí lãnh đạo tỉnh cho biết tình hình gian khổ của Khu 6 và đặc biệt là Ninh Thuận, thú thực lúc đó tôi không hình dung được cảnh thiếu gạo, thiếu thuốc mà về sau tôi được trải qua. Trong cuộc tổng tấn công Mậu Thân năm 1968, đơn vị tôi đánh chiếm làng La Chữ, được nhân dân chăm sóc cho ăn uống thỏa thê, gần 2 năm mới thấy lại chiếc xe đạp ai nấy đều vui và có tâm trạng phấn khởi cho rằng ngày giải phóng đã gần kề. Thế mà chúng tôi còn phải trải qua hàng loạt trận đánh và hy sinh nhiều đồng đội nữa cho đến tháng 4-1975. Thực ra sau 3 lần bị thương, sức khỏe yếu, đầu năm 1969 tôi được điều về làm cán bộ văn thư của Ban Tổ chức Huyện ủy Anh Dũng, sau đó là Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, không còn trực tiếp tham gia chiến đấu. Những năm 1972-73 anh em thương binh, bệnh binh được đưa ra Bắc khá nhiều, tôi cũng có tên trong danh sách nhưng rồi được cơ quan động viên, một phần do tình cảm đồng chí, đồng đội, tôi rút tên, tình nguyện ở lại. Bấy giờ ở cơ quan Ban Tổ chức Tỉnh ủy rất thiếu thốn, lương thực quanh năm của chúng tôi là khoai mỳ nhưng sao lại gắn bó nghĩa tình đến thế. Sau tháng 4-1975 về tiếp quản, tôi vẫn là bộ đội biệt phái với tư cách cán bộ của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Ninh Thuận, tháng 8-1975 tôi mới thực sự có quyết định chuyển ngành. Sau này, qua một thời gian công tác, tôi được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm UB Kiểm tra Tỉnh uỷ và năm 2008 về hưu khi đang làm Phó Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương 6 (2) của tỉnh nhà.
Trừ 18 năm đầu đời ở quê, thời gian còn lại - 47 năm qua tôi sinh sống như người con của quê hương Ninh Thuận, coi Ninh Thuận là quê hương thứ 2, nơi mà những người đồng hương và đồng đội của tôi ngã xuống, nơi chất chứa bao kỷ niệm hào hùng của một thời tuổi trẻ. Khi Thuận Hải chia tách tỉnh, tôi đã bày tỏ nguyện vọng xin về lại tỉnh Ninh Thuận công tác như là về lại chính quê hương, nơi đã gắn kết đời mình. Phải, chỉ có ở đây tình cảm quê hương mới hiện hữu, tôi quen biết tất cả mọi người và quá quen thuộc với từng làng quê. Nhìn lại 38 năm qua sau ngày giải phóng, nhất là từ khi tái lập tỉnh, tôi cảm thấy vui vì Ninh Thuận, quê hương mình đang trên đà phát triển. Trong niềm vui đó, tôi luôn nhắn nhủ các con tôi rằng, Ninh Thuận đã đích thực là quê hương, phải cố gắng đóng góp xây dựng cho quê hương Ninh Thuận ngày càng giàu đẹp. Và tôi tin rằng quê hương Ninh Thuận mình còn thay đổi nhanh hơn trong những năm tới.
Đồng chí Phạm Tất Thắng, cán bộ hưu trí (phường Phủ Hà, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm): Ninh Thuận luôn gắn bó đời tôi từ những ngày còn là người lính Tôi sinh ra và lớn lên tại thị trấn Vĩnh Bảo, huyện Vĩnh Bảo, Tp.Hải Phòng. Ngày 28-4-1966, tôi lên đường nhập ngũ khi vừa tròn 18 tuổi. Sau một thời gian huấn luyện, đơn vị chúng tôi hành quân vào Nam. Trong 6 tháng hành quân đi dọc Trường Sơn, có lẽ không người lính nào quên được những gian nan, bệnh tật và những đồng đội trẻ đã sớm hy sinh. Đến rừng Bù Gia Mập, Trung đội trinh sát của tôi theo tiểu đoàn hành quân về Ninh Thuận và như một duyên phận, mảnh đất cực Nam Trung bộ này đã níu chân tôi từ đó.
Ninh Thuận khi ấy được coi là chiến trường vô cùng gian khổ, xa sự chỉ đạo của Trung ương, thiếu thốn mọi bề và tương quan lực lượng của địch hơn ta gấp ngàn lần. Những bỡ ngỡ ban đầu khi đến Bác Ai là kỷ niệm đầu tiên của chúng tôi trên mảnh đất Ninh Thuận. Từ đây chúng tôi vào chiến trường đi khắp các huyện Thuận Nam, Thuận Bắc và tham gia nhiều trận đánh. Tháng 12-1969 Trung đội trinh sát chúng tôi chuyển thành Đặc công tiểu đoàn, tôi được điều về đội Đặc công Biệt động thị xã Phan Rang. Tiếng là Biệt động thị xã nhưng chúng tôi ở tận núi Ma Giắc (Sơn Hải) mỗi lần đi hoạt động rất khó khăn. Cuối năm 1970, cơ quan Thị ủy chuyển về Phước Trung (Bác Ái), đội Biệt động cũng được chuyển về hoạt động tại núi Cà Đú. Chúng tôi đào hầm rải rác từ núi Cà Đú đến thôn Văn Sơn, hầm nhỏ thiếu không khí, có người khi chiều xuống mở nắp hầm ra đã bị ngất xỉu. Ban ngày nằm hầm, 5 giờ chiều mới mở ra, tôi chỉ ao ước một điều là được tự do hít thở khí trời. Những năm tháng ở núi Cà Đú, chúng tôi tham gia nhiều trận đánh đồn và có vô số kỷ niệm vui buồn của đời lính. Do thuyên chuyển công tác, quân số luôn biến động nên đến ngày giải phóng, đội Biệt động ở Cà Đú chỉ còn lại tôi và 1 đồng đội.
Sau ngày giải phóng, tiếp tục phục vụ trong quân đội cho đến năm 1987 thì nghỉ hưu, về làm Thường trực Đảng ủy phường Phủ Hà. Nhìn lại những tháng năm tuổi trẻ của mình trên chiến trường Ninh Thuận, tôi càng thấy yêu quê hương thứ hai của mình hơn. Mảnh đất này đã thắm máu đồng đội và nặng nghĩa tình với tôi, hằng năm cứ vào ngày 7-4 chúng tôi họp mặt nhau tưởng niệm những đồng đội hy sinh chỉ trước ngày giải phóng 1 tuần và ngày 28-4 tổ chức họp mặt những đồng hương nhập ngũ cùng ngày. 38 năm đã trôi qua, Ninh Thuận đã mang bộ mặt mới, đời sống nhân dân ngày càng nâng lên. Đặc biệt những thay đổi trong thời gian gần đây của Tp.Phan Rang-Tháp Chàm và của cả tỉnh đã làm lòng tôi nô nức. Những đồng đội mình đã nằm xuống chắc cũng đang dõi theo từng ngày sự chuyển biến đáng mừng của mảnh đất Ninh Thuận, nay đã là quê hương.
Đồng chí Hà Ngọc Phi, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phát triển & Kinh doanh nhà: Tôi chọn Ninh Thuận làm quê hương từ khi rời khỏi quân ngũSinh năm 1954, ở Thái Bình, nhưng từ năm 1972 đã rời quê hương lên đường nhập ngũ, năm 1973 bắt đầu vào Nam chiến đấu, phục vụ tại Tiểu đoàn pháo 130, Quân khu 6.
Sau ngày giải phóng, tôi tiếp tục phục vụ quân đội, đến năm 1978 được cử đi học lớp tăng cường cán bộ cấp huyện và công tác tại huyện đảo Phú Quý. Cuối năm 1978, được điều về Ty Xây dựng Thuận Hải và năm 1979 được phân công làm việc trong nhóm lãnh đạo Ban Kiến thiết xây dựng Nhà máy xi-măng Phương Hải, đây cũng là thời điểm bén duyên, tôi dừng chân hẳn trên mảnh đất Ninh Thuận. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ những kỷ niệm của lần dẫn lớp công nhân kỹ thuật ra Bắc học về sản xuất xi-măng, nỗi háo hức vui mừng khi nhà máy sản xuất ra mẻ xi-măng đầu tiên của tỉnh Thuận Hải bấy giờ, Ninh Thuận ngày nay vào ngày 16-4-1979, sau đúng 3 năm giải phóng. Hình như duyên nợ với ngành xây dựng song hành với duyện nợ của tôi trên vùng đất Ninh Thuận. Rời khỏi vị trí Phó Giám đốc Nhà máy xi-măng Phương Hải, năm 1992 tái lập tỉnh tôi làm Phó Giám đốc Công ty Xây dựng, tiếp đó là Giám đốc Công ty Quản lý nhà đất (nay là Công ty Cổ phần Phát triển và kinh doanh nhà).
Nhắc lại quá trình đó để thấy ngay từ lúc đặt chân đến, tôi đã nghiễm nhiên là người con của quê hương Ninh Thuận. Dù được phân công bất kỳ nhiệm vụ gì tôi cũng thấy vui vì được phục vụ cho quê hương thứ hai. Tôi luôn tâm niệm với lòng mình phải góp phần vào xây dựng tỉnh nhà giàu đẹp, trước mắt là xây dựng Công ty phát triển, tạo công ăn việc làm cho mọi người. Tôi rất phấn khởi vì sau 38 năm giải phóng, nhất là sau 21 năm tái lập tỉnh, Ninh Thuận đã phát triển nhanh chóng và có nhiều đổi mới, cảm thấy vui vì trong đó có phần đóng góp nhỏ bé của mình. Mặc dù hiện nay, do di chứng chiến tranh, tôi bị nhiễm chất độc da cam và truyền sang thế hệ thứ 2, nhưng tôi vẫn cảm thấy mình còn may mắn vì vẫn được sống và phục vụ quê hương mới. Cứ mỗi lần nghĩ tới những đồng đội đã khuất, tôi càng quyết tâm và thấy mình phải có trách nhiệm thực hiện những gì mà đồng đội từng hoài bão. Trong niềm vui tỉnh nhà đang trên đà phát triển, tôi vẫn lấy nhiệt huyết người lính vượt qua khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tạm gát nỗi bất hạnh của gia đình, với mong mỏi góp phần xứng đáng hơn trong công cuộc xây dựng quê hương Ninh Thuận.
Bạch Thương - Phạm Lâm