Nữ bác sĩ của núi rừng Bác Ái làm theo lời Bác Hồ dạy

(NTO) Có đầy đủ điều kiện hưởng cuộc sống an nhàn ở thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn), nhưng năm 2004, khi nghỉ hưu chị quyết định về với bản làng.

Chọn thôn Ma Hoa, xã Phước Đại (Bác Ái) sinh sống, theo chị vì đây là trung tâm của Chiến khu Bác Ái xưa - nơi tuổi thơ chị thường theo mẹ đi tiếp tế lương thực cho bộ đội Cụ Hồ trên dãy núi Tà Năng. Chị kể: Hồi chiến tranh chống Mỹ, núi rừng Bác Ái thường xuyên phải hứng chịu những trận càn quét của giặc, nhưng mặc cho “bom rơi, lửa đạn” sáng nào mẹ cũng gùi chị lên rẫy trồng bắp, trồng mỳ để nuôi bộ đội. Ngày ấy có rất nhiều cán bộ đến ở trong nhà bà con, các chú rất tốt bụng tranh thủ những lúc rảnh rỗi dạy chữ cho trẻ em miền núi. Đám trẻ yêu quý bộ đội, chăm chỉ học tập, trong đám bạn chị sáng dạ nhất, được tổ chức chọn gửi ra Bắc học tập, khi đó chị mới lên 12 tuổi.

Mặc dù đã nghỉ hưu, nhưng hằng ngày Bác sĩ Mấu Thị Bích Phanh
vẫn tận tụy khám bệnh cho bà con đồng bào Raglai ở địa phương.

Những năm tháng ở Hà Nội dù rất nhớ nhà, nhớ núi rừng ông bà nhưng chị cố nén lòng để học tập tốt sau này trở về phục vụ quê hương. Niềm vui lớn nhất trong đời chị là năm1963 được gặp Bác Hồ. Nghe lời Bác dặn cố gắng học giỏi để khi miền Nam giải phóng về phục vụ bà con của mình nên chị mệt mài đèn sách và được tuyển chọn vào học ở Trường Đại học Y Thái Nguyên. Sáu năm học ở trường, chị đã thực hiện được ước mơ, trở thành nữ bác sĩ đầu tiên của đồng bào Raglai.

Ngày đất nước thống nhất, chị trở về quê hương. Mới công tác ở Bệnh viện Ninh Sơn được 4 tháng, chị đã xung phong về Phân viện Phước Đại để gần bà con. Về với núi rừng Bác Ái, chị đến từng thôn, từng nhà vận động mọi nhà ăn chín, uống sôi, phòng bệnh sốt rét... Chị tâm sự: Hồi mới giải phóng đường sá đi lại rất khó khăn, nhà nào có người bệnh thường mời thầy mo đến cúng, nên rủi ro rất cao. Tôi khuyên bà con có bệnh phải xuống trạm xá khám lấy thuốc uống.

Chính sự xông xáo, nhiệt tình nên đi đến đâu chị cũng được bà con đồng bào Raglai dang rộng đôi tay chào đón. Đến hôm nay khi đã nghỉ hưu, đôi chân chị không còn dẻo dai để đi đến tận từng hộ gia đình chữa bệnh như xưa, nhưng người Raglai vẫn tin tưởng, mỗi khi có bệnh họ lại đến nhà nhờ chữa trị. Ngôi nhà của chị hiện nay trở thành điểm khám bệnh miễn phí ở xã Phước Đại.

Ngồi hàn huyên chuyện xưa và nay, tôi biết chị không những là nữ bác sĩ của núi rừng Bác Ái mà còn là người “giữ hồn” cho văn hóa dân tộc Raglai. Những lần về các thôn chữa bệnh cho bà con, chị thường lưu lại nhiều ngày gặp các già làng sưu tầm sử thi, tìm hiểu chữ viết Raglai. Công trình nghiên cứu chữ viết Raglai của chị đã chuyển tải tri thức, văn hóa của quê hương mình đến với các cộng đồng trên toàn quốc. Nay đã nghỉ hưu, bận rộn với công việc chăm sóc sức khỏe cho bà con, nhưng chị vẫn không quên dành thời gian dự các lễ hội truyền thống. Ở đó chị được hòa mình vào với mọi người, đánh mã la, hát sử thi. Tiếng hát của chị trong trẻo như tiếng chim Ta Leo thánh thót khắp núi rừng Bác Ái.