Mô hình phát triển thủ công mỹ nghệ từ hạt cây rừng triển khai từ tháng 10 năm 2010 do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp Vườn Quốc gia Núi Chúa và Viện Sinh học Nhiệt đới Tp Hồ Chí Minh thực hiện. Qua nhiều lớp tập huấn, đến nay thôn Cầu Gãy có 4 tổ với 24 chị em phụ nữ tham gia. Hầu hết chị em đều vững tay nghề, mong muốn gắn bó lâu dài với công việc mới mẻ này. Chị em được hỗ trợ các thiết bị cần thiết như máy mài, máy khoan, máy đánh bóng.
Tranh thủ lúc rảnh rỗi, chị em ngồi kết hạt tại nhà cộng đồng thôn Cầu Gãy.
Các loại hạt sẵn có trên rừng qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ trở thành những sản phẩm hàng hóa đem lại giá trị kinh tế. Những chuỗi hạt bồ đề đeo tay, đeo cổ với nhiều loại từ 14 – 108 hạt, móc chìa khóa, vòng đeo tay được kết từ hạt cam thảo, hạt dẹp, hạt bồ cao, hạt mắt mèo. UBND xã Vĩnh Hải hỗ trợ tổ thủ công mỹ nghệ 10 triệu đồng không lãi suất để mua hạt dự trữ và dụng cụ làm sản phẩm. Thời gian qua, tổ thủ công mỹ nghệ thôn Cầu Gãy làm ra 8.244 xâu chuỗi và 5.011 móc khóa các loại thu nhập 46 triệu đồng. Chị Mấu Thị Biểu, một thành viên trong tổ thủ công mỹ nghệ chia sẻ: “Lần đầu làm rất khó, sợ kim đâm vô tay, bây giờ làm quen rồi. Nếu sẵn hạt, có người đặt mua hàng thì mình làm xâu cuỗi có thu nhập 100 ngàn đồng/ ngày”. Từ khi có nghề phụ, người già và trẻ em lên rừng kiếm hạt về bán với giá 15 – 20.000 đồng/ kg. Nghề thủ công mỹ nghệ đang góp phần cải thiện thu nhập cho người dân, bảo vệ rừng và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Raglai.
Chị Lê Thị Mỹ Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Vĩnh Hải cho biết: “Hội Phụ nữ xã tiếp tục mở các lớp tập huấn cho chị em, nâng cao tay nghề, sáng tạo mẫu mã mới; đề xuất xây dựng địa điểm trưng bày, quảng bá sản phẩm, bán hàng cho khách du lịch để tìm hướng phát triển lâu dài cho mô hình thủ công mỹ nghệ địa phương.”
Trang Nhung