Nỗ lực vượt khó
Nhờ vị trí địa lý và đặc điểm địa hình hiểm trở, trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xã Phước Hà được chọn là địa bàn hoạt động của các cơ quan Dân – Chính – Đảng của tỉnh để lãnh đạo quân và dân Ninh Thuận đấu tranh chống kẻ thù xâm lược đến ngày toàn thắng. Sau giải phóng, xã Phước Hà được xác lập lại từ các xã Giá, Là A, Rồ Ôn và xác nhập mới thôn Trà Nô, với kế hoạch tái định canh, định cư cho bà con Raglai nơi đây ổn định đời sống, có điều kiện phát triển kinh tế. Vào thời điểm ấy, Phước Hà chỉ là một “cô gái nghèo”, chưa thoát khỏi tập quán sinh sống và lao động theo phương thức du canh, du cư dọc các thung lũng, mé núi, triền sông, đời sống kinh tế vô cùng khó khăn.
Nhà nước đầu tư phát triển hệ thống giao thông Phước Hà xây dựng nông thôn mới
Kỹ thuật canh tác lạc hậu, lại dựa chủ yếu vào nước trời nên có thời điểm, năng suất lúa quá thấp khiến bà con “nghi ngờ” hiệu quả từ cây lương thực vàng này. Cái khó bủa vây, cộng với nhận thức chưa cao khiến không ít người quay lại cách làm cũ: lên rừng phát nương làm rẫy. Có thể nói, với bà con Raglai Phước Hà, thời điểm hồ Tân Giang được xây dựng đưa vào sử dụng là một dấu mốc quan trọng, làm thay đổi cơ bản hoạt động sản xuất tại địa phương. Có nước, các chương trình khuyến nông bắt đầu lên Phước Hà. Có nước, bà con mạnh dạn chọn cây lúa thay thế cây bắp, cây đậu. Chị Tà Thía Năng, thôn Rồ Ôn cho biết, hơn chục năm nay, nhờ chủ động nguồn nước và áp dụng các kỹ thuật canh tác mới theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, năng suất lúa cao hơn. Nụ cười rạng rỡ trên gương mặt sạm nắng, chị chia sẻ: “3 sào lúa ngày xưa làm không đủ ăn, nhưng nay có thể dư giả để sắm sửa đồ đạc trong nhà, nuôi con đi học nữa”.
Không riêng kinh tế mà ở các mặt xã hội, xã Phước Hà cũng phải nỗ lực vượt qua khó khăn, thiếu thốn. Gần 10 năm gắn bó với vùng đất này, thầy Quảng Đại Vĩnh, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Giá bùi ngùi nhớ lại: “Khi mới lên nhận công tác tại Phước Hà vào năm 2004, thấy đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, tôi lo lắng lắm. Cái ăn còn chưa đủ thì làm sao vận động được bà con đưa con em đến lớp để học chữ. Cơ sở vật chất thiếu thốn, học sinh ít lại thường xuyên bỏ học, chất lượng giáo dục vì thế chậm tiến bộ. Ban giám hiệu nhà trường cùng các thầy cô giáo nơi đây đã phải đến từng nhà vận động các em ra lớp, từ mùa bắp này đến mùa đậu kia, chỉ mong sao trong chiếc gùi mang trên vai các em có lưng vốn chữ, để cuộc sống sau này bớt khổ.”
Từng bước xây dựng nông thôn mới
Đồng chí Tạ Yên Phố, Bí thư Đảng ủy xã Phước Hà cho biết: Là vùng miền núi với 96% là đồng bào dân tộc Raglai, kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, nên thời gian đầu Phước Hà gặp nhiều khó khăn. Từ khi tái lập tỉnh, xã nhận được nhiều quan tâm của lãnh đạo tỉnh, huyện, các chương trình 134, 135 và 167 đến với bà con, góp phần ổn định nhà ở, hỗ trợ phát triển kinh tế. Đến nay, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm trên 1.200 ha (trong đó, diện tích cây lúa trên 200 ha), năng suất lúa bình quân đạt từ 45 – 60 tạ/ha, tổng sản lượng lương thực trung bình năm đạt trên 2.500 tấn; tổng đàn gia súc trên 2.200 con. Trên địa bàn có cơ bản đầy đủ điện, đường, trường, trạm phục vụ đời sống người dân. Đây sẽ là những tiền đề quan trọng để địa phương quy hoạch xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới.
Nông dân xã Phước Hà ứng dụng tiến bộ kỹ thuật canh tác lúa nước đạt năng suất 45-50 tạ/ha.
Ảnh: Sơn Ngọc
Một trong những “nước cờ” kinh tế quan trọng tại địa phương là cơ giới hóa nông nghiệp. Đến Phước Hà hôm nay, hình ảnh những máy cày, máy gặt đập liên hợp không còn xa lạ, đường nội đồng nông thôn cũng dần được bê tông hóa. Các hoạt động sản xuất khác như chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ,… cũng được thuận lợi, ổn định hơn. Các mô hình sản xuất trên cây lúa như “3 tăng, 3 giảm”, mô hình nuôi bò vỗ béo, các chương trình vay vốn hỗ trợ sản xuất, chương trình dạy nghề đan lát cho phụ nữ,… đang là những câu chuyện sinh động, được bà con Raglai Phước Hà quan tâm.
Là địa bàn miền núi với gần 13.000 ha đất lâm nghiệp, tập quán sản xuất gắn với rừng nên các hoạt động kinh tế rừng được triển khai trên địa bàn như Dự án 661 (Dự án Trồng mới 5 triệu ha rừng),… được bà con đón nhận, thực hiện tốt. Không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng mà việc giao khoán rừng cho bà con trên địa bàn còn góp phần nâng cao ý thức của người dân địa phương trong bảo vệ rừng. Đồng chí Tạ Yên Phố cho biết thêm: “Năm 2010, Dự án 661 kết thúc, nhưng bà con ở đây vẫn có nguyện vọng được tiếp tục giao khoán chăm sóc và bảo vệ rừng. Vì là người địa phương, thông thuộc địa bàn, lại gắn bó với rừng từ xưa nay nên bà con Raglai ở đây sẽ có nhiều thuận lợi, kinh nghiệm hơn.”
Đến nay, Phước Hà dù chưa thật giàu có, nhưng đời sống bà con đã cơ bản ổn định và từng bước phát triển. Cùng với những chính sách hỗ trợ từ các chương trình của Trung ương, tỉnh, huyện,… bà con nhân dân nơi đây cũng đang chủ động học tập, tìm tòi những phương thức mới, có hiệu quả trong lao động, sản xuất. Phước Hà đang chuyển mình mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới hôm nay.
Bảo Bình