|
Đồng chí Nguyễn Đức Thu Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT |
Hình thành kết cấu hạ tầng căn bản phục vụ hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn. Cải thiện môi trường nông thôn tập trung vào đảm bảo vệ sinh an toàn sản phẩm, phòng chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi, thủy sản, chủ động phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu; nâng độ che phủ rừng đạt 45%. Cộng đồng cư dân nông thôn chủ động, tích cực thực hiện xây dựng nông thôn mới, số xã nông thôn mới đạt tiêu chuẩn là 20% vào 2015 và 50% năm 2020.
Sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết, mặc dù phải đối phó và chịu ảnh hưởng do biến đổi khí hậu như hạn hán, mưa lũ cục bộ, dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản ngày càng phức tạp, Nông nghiệp Ninh Thuận đã thu được những thành tựu đáng kể. Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông- lâm nghiệp đạt 6.6%/năm, thủy sản đạt 9.76%/năm. Đến cuối năm 2012, có sự chuyển biến về cơ cấu cây trồng như tổng diện tích gieo trồng tăng thêm so với năm 2010 đạt 7,1 ngàn ha, năng suất cây lúa tăng 4,5 tạ/ha, sản lượng tăng thêm 38,8 ngàn tấn; diện tích cây mỳ tăng thêm gần 1 ngàn ha, sản lượng tăng thêm 17,6 ngàn tấn; diện tích cây mía tăng thêm 1.448 ha, sản lượng tăng thêm 50,9 ngàn tấn. Đối với cây ăn quả có chuyển biến rõ rệt, tổng sản lượng cây ăn quả tăng thêm 41,5 ngàn tấn, trong đó đáng chú ý nhất là sản lượng táo tăng thêm 29,2 ngàn tấn, chuối 2,8 ngàn tấn, mít 2,23 ngàn tấn, xoài 1,3 ngàn tấn, đóng góp lớn vào sự gia tăng giá trị ngành trồng trọt. Trong ngành chăn nuôi giá trị sản xuất tăng bình quân 5.5%/năm, trong đó tổng đàn dê cừu tăng thêm 11,78 ngàn con, tổng đàn gia cầm tăng bình quân 9,3%/năm, sản lượng thịt gia cầm tăng bình quân 6%/năm. Đối với sản xuất muối, diện tích đưa vào sản xuất đạt 2.385 ha, tăng so với 2010 là 844ha, sản lượng tăng thêm 74 ngàn tấn.
Hồ thủy lợi Sông Trâu (Thuận Bắc). Ảnh: Văn Thanh
Đối với ngành lâm nghiệp tiếp tục thực hiện trồng rừng phòng hộ mỗi năm đạt 500ha, trồng rừng sản xuất mỗi năm đạt 500-600ha; duy trì việc hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số trồng rừng thay thế nương rẫy với giá trị mỗi năm đạt 8-9 tỷ đồng, đảm bảo cân bằng với việc thu hồi rừng và đất rừng phục vụ cho khai hoang cấp đất sản xuất tái định canh, định cư, xây dựng các công trình hạ tầng cho thủy lợi, du lịch, công nghiệp; do đó độ che phủ rừng được giữ ổn định 44% trong năm 2012. Sản xuất thủy sản tăng trưởng cao đạt 9.76%/năm, đóng góp vào tăng trưởng giá trị ngành thủy sản là sản xuất giống tăng 18.66%/năm, sản lượng tăng thêm 5,22 tỷ con; giá trị khai thác tăng 7,7%/năm, sản lượng khai thác tăng thêm 11,2 ngàn tấn chủ yếu do ngư dân mở rộng việc cải hoán tăng công suất, đóng mới tàu thuyền, áp dụng các kỹ thuật mới như máy định vị, máy dò ngang tìm luồng cá, áp dụng các phương pháp tiên tiến trong bảo quản hải sản; công suất tăng thêm so với 2010 đạt 25,2 ngàn CV, đưa tổng năng lực tàu cá toàn tỉnh đạt 2.604 chiếc với 214,3 ngàn CV. Ngành thủy lợi đã chủ động cân đối, điều tiết nước phòng chống hạn hán, bão lũ và di dãn dân, xây dựng các công trình phòng và giảm nhẹ thiên tai tại các vùng sạt lở bờ sông, bờ biển. Trong giai đoạn 2011-2012 đã hoàn thành các công trình thủy lợi như hồ Sông Biêu, Lanh Ra, Bà Râu, Trà Co, Cho Mo, Phước Trung, Phước Nhơn ... với tổng dung tích tăng thêm 58,8 triệu m3. Nhiều công trình phòng chống thiên tai lớn được xây dựng như các kè ven biển Đầm Vua, Đông Hải, Phú Thọ, Cà Ná... nâng cấp đê và chống sạt lở bờ sông Dinh, di dân và xây dựng các vùng tái định cư, định canh các vùng bị ảnh hưởng thiên tai như Sông Ông, Phước Bình, Phước Diêm...cùng với hơn 40 hệ thống nước sinh hoạt nông thôn do ngành quản lý đã cung cấp nước hợp vệ sinh cho 83% dân số nông thôn, tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 63% đã góp phần lớn ổn định đời sống, sản xuất, tạo thay đổi bộ mặt vùng nông thôn miền núi.
Với sự phát triển trên đã nâng tổng giá trị gia tăng (thu nhập) do ngành nông nghiệp tạo ra tăng mỗi năm 5.1% và đóng góp 39,3% tổng giá trị gia tăng toàn tỉnh năm 2012, góp phần lớn nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, an ninh trật tự xã hội vùng nông thôn, miền núi. Có thể nói đạt được những kết quả nêu trên của ngành Nông nghiệp là kết qủa của sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, trong đó vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc xác định chủ trương, huy động các nguồn lực từ trung ương, của các tổ chức tài chính quốc tế để đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đó là sự chỉ đạo điều hành linh hoạt các đơn vị ngành nông nghiệp và sự nỗ lực của bà con nông dân trong tỉnh trong điều kiện hạn hán, bão lũ, dịch bệnh thường xuyên phát sinh và diễn biến khó lường.
Trang trại chăn nuôi cừu ở Thuận Nam. Ảnh: Văn Miên
Trong giai đoạn còn lại tới năm 2015, kế thừa những kết quả đã đạt được, Nông nghiệp Ninh Thuận tiếp tục phát triển với định hướng tăng cường ứng dụng khoa học- công nghệ trong sản xuất, nhất là công nghệ cao, tạo ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn, an toàn về chất lượng, phù hợp nhu cầu thị trường để góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra, đưa Nông nghiệp Ninh Thuận đạt tầm phát triển mới trong khu vực miền Trung. Để thực hiện được các mục tiêu đó, trong thời gian còn lại ngành tiếp tục thực hiện các giải pháp chính sau đây:
Một là, xây dựng mới và rà soát điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch làm cơ sở để chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát huy các lợi thế so sánh với các tỉnh trong khu vực và cả nước. Triển khai xây dựng các quy hoạch phát triển ngành nông- lâm- thủy sản và sản xuất muối theo hướng phát huy các lợi thế của các địa phương, lợi thế của từng loại cây trồng, con nuôi, có thị trường tiêu thụ ổn định; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm bảo đảm sản xuất có hiệu qủa, nâng cao giá trị sản xuất và gía trị gia tăng trên đơn vị diện tích. Trước mắt, trong năm 2013 sẽ triển khai toàn diện Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất nông lâm thủy sản và sản xuất muối, Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, Qui hoạch chi tiết nuôi trồng thủy sản, Quy hoạch vùng sản xuất nho an toàn và Quy hoạch các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020. Tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh lại Quy hoạch phát triển thủy lợi thích ứng với biến đổi khí hậu, quy hoạch bố trí dân cư nông thôn,… phù hợp với yêu cầu phát triển và diễn biến biến đổi khí hậu đến 2020. Từ năm 2013 sẽ tập trung tham mưu đối với qui hoạch chi tiết bố trí sản xuất và dân cư, phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất nông- lâm- thủy sản và sản xuất muối tại các xã điểm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đến 2015 và mở rộng cho toàn bộ các xã trên toàn tỉnh.
Hai là, tăng cường công tác vận động thu hút các nguồn vốn đầu tư để hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn. Trong giai đoạn 2013-2015 sẽ vận động các nguồn vốn đầu tư để hoàn thành các dự án lớn là hồ Sông Than, Tân Giang 2, Ô Căm, Đa Mây, Kiền Kiền, đập hạ lưu sông Dinh, nâng cấp đê bờ bắc sông Dinh, nâng cấp hệ thống kênh mương cấp II, III cho các hồ chứa nước; phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống thủy lợi Tân Mỹ. Phấn đấu đến năm 2015, năng lực tưới đạt 55% diện tích đất nông nghiệp và 60% vào năm 2020. Tiếp tục xây dựng và và huy động các nguồn lực để tổ chức thực hiện Đề án sắp xếp dân cư ven biển, các công trình phòng và giảm nhẹ thiên tai như đê, kè, tái định cư dân cư…để chủ động phòng tránh thiên tai. Tham mưu cho UBND tỉnh và cùng các ngành kêu gọi đầu tư cho các dự án đầu tư phát triển lâm nghiệp bền vững như Dự án quy hoạch phát triển cây cao su; phát triển các dự án du lịch trên cơ sở bảo tồn và phát triển bền vững rừng phòng hộ, đặc dụng tại các Vườn quốc gia; đầu tư các trang trại nông nghiệp sinh thái trồng nho vùng ven thành phố Phan Rang-Tháp Chàm theo hướng gắn với du lịch sinh thái, sản xuất nông nghiệp hữu cơ và chế biến vang nho phục vụ du khách.
Nông dân xã Phước Thuận (Ninh Phước) thu hoạch lúa. Ảnh: Thanh Long
Ba là, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung để tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ giới hóa và thâm canh theo hướng ứng dụng công nghệ cao, đó là:
Vùng sản xuất lúa tập trung có quy mô 9-9,5 ngàn ha đất canh tác, sản xuất ổn định 2-3 vụ/năm ở Ninh Phước, Ninh Hải, Ninh Sơn. Vùng sản xuất sắn tập trung quy mô 1.500 ha, sản lượng 44-45 ngàn tấn ở Ninh Sơn; vùng mía quy mô 2.000 ha, sản lượng 130-135 ngàn tấn ở Ninh Sơn và Bác Ái; vùng thuốc lá sợi vàng quy mô 1.000 ha, sản lượng 2,5 ngàn tấn ở Ninh Sơn, Ninh Phước; vùng nho-táo tập trung quy mô 1.500 ha, sản lượng 45 ngàn tấn ở Ninh Phước, Thuận Nam, Phan Rang-Tháp Chàm. Xây dựng các khu chăn nuôi tập trung công nghiệp, bán công nghiệp đối với heo và gia cầm ở Ninh Sơn, Ninh Phước, Thuận Nam, Thuận Bắc; vùng sản xuất tập trung 400 ha nuôi tôm trên cát ở Ninh Phước, 600 ha nuôi tôm ở Đầm Nại; vùng sản xuất giống thủy sản tập trung An Hải-Ninh Phước, Nhơn Hải-Ninh Hải, sản lượng đạt 16-17 tỷ con giống/năm vào năm 2015.
Bốn là, đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao khoa học- công nghệ gắn với việc thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao, các nguồn vốn ODA của các tổ chức tài chính quốc tế để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ xuất khẩu. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2015, tập trung chỉ đạo thực hiện các Dự án ODA trong lĩnh vực chuyển giao khoa học- công nghệ, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức tài chính quốc tế gắn với việc xây dựng và triển khai thực hiện Quy hoạch các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đối với sản xuất nông nghiệp sẽ tiếp tục xây dựng các vùng nông nghiệp sản xuất tập trung ứng dụng công nghệ cao như: sản xuất lúa giống, bắp giống, bông giống; vùng sản xuất nho, táo tập trung; vùng chăn nuôi dê, cừu tập trung; chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh của tỉnh.
Nông dân xã Nhơn Hải đầu tư xây dụng trại sản xuất tôm giống cung cấp thị trường trong và ngoài tỉnh.
Đối với giống thuỷ sản sẽ tiếp tục đầu tư vùng sản xuất tôm giống Nhơn Hải-Ninh Hải, An Hải-Ninh Phước; vùng sản xuất tôm thương phẩm An Hải-Ninh Phước; sẽ tập trung nghiên cứu để chọn, tạo một số giống thuỷ sản chủ yếu có tốc độ sinh trưởng nhanh; giống thuỷ sản sạch bệnh, đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Tiếp tục thúc đẩy nhà đầu tư triển khai dự án Khu nông nghiệp kỹ thuật cao do Công ty Arcoiris Holdings LLC đầu tư đã được UBND tỉnh chấp thuận tại xã Lợi Hải và Công Hải, huyện Thuận Bắc với phạm vi diện tích đầu tư 251,6 ha. Xây dựng vùng sản xuất rau xã An Hải-Ninh Phước, có quy mô diện tích 120 ha thành vùng vệ tinh cho dự án, đầu tư công nghệ trồng rau sạch, hoa quả, sản xuất cây, con giống chất lượng cao.
Năm là, phát triển công nghiệp chế biến nông- lâm -thủy sản và sản xuất muối: Tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh, các ngành liên quan đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông-lâm-thủy sản và sản xuất muối theo chiều sâu gắn với vùng nguyên liệu; tiếp tục nâng cấp các nhà máy đã đầu tư, xây dựng các nhà máy chế biến mới theo nguồn nguyên liệu của tỉnh theo hướng hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm gắn với bảo vệ môi trường. Trước mắt, tập trung kêu gọi các nhà đầu tư các dự án chế biến tôm xuất khẩu, chế biến tinh bột sắn, chế biến đường; xây dựng các cơ sở chế biến mới về rượu vang, nhân điều, chế biến và đóng hộp thịt gia súc, gia cầm; chế biến thức ăn gia súc, cao su; xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm. Tham mưu cho UBND tỉnh các chính sách phát triển cơ giới hoá sản xuất để nâng cao năng suất lao động, chú trọng phát triển công nghệ sau thu hoạch và bảo quản nông sản để nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm thất thoát.
Sáu là, đẩy mạnh công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Đầu tư cho công tác đào tạo nghề ở khu vực nông thôn như kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng và khai thác thủy sản, bảo vệ thực vật, thú y…gắn kết với chương trình đào tạo nghề của Chính phủ và các chương trình dự án khác. Phấn đấu đến năm 2015, đạt 30% lao động ngành thủy sản được huấn luyện, đào tạo về tay nghề. Tiếp tục thực hiện cử các cán bộ trong ngành tham gia các khóa đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý theo học các chương trình cao học, nghiên sinh tại các trường, viện trong nước và chương trình đào tạo của tỉnh tại nước ngoài cho cán bộ công chức trong tỉnh.
Nông dân xã An Hải thực hiện mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới theo tiêu chuẩn VietGap.
Ảnh: Sơn Ngọc
Bảy là, tiếp tục tổ chức lại sản xuất trong ngành theo hướng phát triển liên kết theo chuỗi giá trị và đẩy mạnh Chương trình xây dựng nông thôn mới. Phát triển các loại hình liên kết sản xuất của nông dân như tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp nhằm gắn kết người sản xuất với chế biến và tiêu thụ; phát triển trang trại, các doanh nghiệp nông nghiệp kinh doanh chế biến các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Tập trung cho công tác quy hoạch, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư từ các chương trình dự án, vốn doanh nghiệp và huy động sự đóng góp của cộng đồng dân cư để xây dựng nông thôn mới. Trước mắt, tập trung cho các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất, để nâng cao thu nhập cho nhân dân.
Với các chủ trương và các giải pháp nêu trên cùng với sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ, sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đến năm 2015, nông nghiệp Ninh Thuận sẽ có một bước phát triển mới, hướng đến một nền sản xuất bền vững, ứng dụng công nghệ tiên tiến và phục vụ xuất khẩu.
Nguyễn Đức Thu
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT