Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về hai dự án Luật

Chiều ngày 11-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai; dự án Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi).

Băn khoăn tên gọi luật về thiên tai

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) Phan Xuân Dũng cho biết, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống thiên tai (PCTT), nhiều ý kiến tập trung vào bốn vấn đề: Đối tượng, phạm vi điều chỉnh và tên gọi của dự thảo Luật; nguồn nhân lực trong PCTT và vai trò của lực lượng vũ trang nhân dân trong PCTT; về quỹ PCTT và cơ quan chỉ đạo, cơ quan chỉ huy PCTT.

Về tên gọi của dự thảo Luật, đa số ý kiến thống nhất với tên luật là Luật Phòng, chống thiên tai. Có ý kiến đề nghị lấy tên là Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai như trong Nghị quyết số 20/2011/QH13 ngày 26/11/2011 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII; ý kiến khác đề nghị lấy tên Luật là Luật Phòng, ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cho rằng, tên gọi Luật PCTT là ngắn gọn, đầy đủ, bao quát toàn diện các vấn đề trong hoạt động PCTT; thể hiện thái độ chủ động trong PCTT; phản ánh và khái quát được những nét chung nhất về bản chất, nội hàm và mục đích của việc ban hành Luật. Hơn nữa, khái niệm “Phòng, chống thiên tai” đã được giải thích rõ tại khoản 3, Điều 3 dự thảo Luật và cũng là khái niệm đã quen dùng trong đời sống như: Phòng, chống lụt, bão; phòng, chống hạn hán; phòng, chống rét..., cũng đã được sử dụng trong nhiều văn kiện của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước. Do vậy, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị UBTVQH cho giữ tên như dự thảo Luật.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Nguyễn Kim Khoa, tại Điều 68 (mới) của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có cụm từ “phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai”. Vì vậy, có nhất thiết phải thống nhất với cụm từ này không, hoặc nếu thấy tên gọi PCTT là phù hợp thì cần báo cáo Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị đưa ra 2 phương án tên gọi để trình Quốc hội quyết định.

Về nguồn nhân lực trong PCTT và vai trò của lực lượng vũ trang nhân dân trong PCTT, nhiều ý kiến tán thành với quy định về nhiệm vụ của lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) trong PCTT như dự thảo Luật. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, quy định như dự thảo Luật sẽ tạo ra sự ỷ lại các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Thường trực Ủy ban KH,CN&MT thấy rằng, quy định như dự thảo Luật sẽ huy động được tất cả các lực lượng thực hiện hoạt động PCTT. Dân quân tự vệ là lực lượng tại chỗ thực hiện ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai ngay từ khi thiên tai xuất hiện; quân đội nhân dân và công an nhân dân là lực lượng nòng cốt trong việc sơ tán người, phương tiện, tài sản, tìm kiếm cứu nạn, bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn xảy ra, LLVTND luôn là lực lượng nòng cốt trong hoạt động ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, các lực lượng khác đóng vai trò phối hợp"– Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng nói.

Xác định địa vị pháp lý của Viện Hàn lâm khoa học

Cũng trong chiều 11-4, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi).

Liên quan đến quy định Viện Hàn lâm khoa học, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cho biết, qua tham vấn, còn nhiều ý kiến, trong đó có đề nghị của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (KHXHVN) và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (KH&CNVN) về sự cần thiết phải xác định địa vị pháp lý của Viện Hàn lâm khoa học trong Luật Khoa học và Công nghệ.

Vấn đề này, còn hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất, đề nghị cần quy định Viện Hàn lâm khoa học (Viện Hàn lâm KHXHVN và Viện Hàn lâm KH&CNVN) như Điều 10 trong Dự thảo Luật. Theo lí giải, hai Viện Hàn lâm khoa học là hai cơ quan thuộc Chính phủ, do Chính phủ thành lập, là một loại hình tổ chức KH&CN hàng đầu cấp quốc gia, có chức năng nghiên cứu cơ bản về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, nghiên cứu phát triển công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực KH&CN trình độ cao. Trong số các tổ chức KH&CN hiện nay của nước ta, hai Viện này là hai tổ chức đã có bề dày lịch sử phát triển hơn nửa thế kỷ, với hàng chục viện nghiên cứu chuyên ngành và hàng ngàn cán bộ KH&CN có trình độ chuyên môn cao trong hầu hết các lĩnh vực KH&CN; đã và đang có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển nền KH&CN Việt Nam; được Đảng và Nhà nước xác định là hai trung tâm khoa học lớn, cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách phát triển đất nước.

Việc quy định Viện Hàn lâm khoa học trong Dự thảo Luật để khẳng định địa vị pháp lý của tổ chức và tạo cơ sở cho việc xây dựng cơ chế phù hợp, tập trung đầu tư, nhằm làm cho tổ chức này thực sự là tổ chức nghiên cứu KH&CN, tư vấn chính sách và đào tạo nguồn nhân lực KH&CN trình độ cao theo tinh thần các Nghị quyết Trung ương và Chiến lược KH&CN đến năm 2020. Đồng thời, chế định này cũng tương ứng với quy định về Đại học Quốc gia trong Luật Giáo dục đại học.

“Thường trực Ủy ban KH,CN&MT nhất trí với ý kiến thứ nhất này và đề nghị ghi điều này thành Điều 10 như trong Dự thảo Luật để Quốc hội thảo luận, quyết định.” – Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cho biết.

Loại ý kiến thứ hai, do Trưởng Ban soạn thảo đề nghị, đó là không cần thiết phải quy định về Viện Hàn lâm khoa học trong Dự thảo Luật. Bởi việc thành lập Viện Hàn lâm khoa học cũng như là quy định về tổ chức và hoạt động của tổ chức này hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Chính phủ, vì đây là tổ chức KH&CN cấp quốc gia do Chính phủ thành lập (Điều 9, Điều 13). Bên cạnh Viện Hàn lâm khoa học do Chính phủ thành lập, hiện còn có các tổ chức KH&CN cấp quốc gia khác, do đó không cần thiết phải có một quy định riêng cho Viện Hàn lâm khoa học trong Dự thảo Luật. Hơn nữa, vị trí, vai trò, ảnh hưởng của Viện Hàn lâm khoa học đối với mạng lưới tổ chức KH&CN cũng khác với Đại học Quốc gia trong hệ thống giáo dục đại học.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam