Chủ tịch Quốc hội: Không nên “bày” ra nhiều quỹ gây lãng phí

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 17, sáng 11/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật Việc làm. Đây là lần thứ hai, UBTVQH cho ý kiến về Dự án Luật này trước khi trình Quốc hội xem xét lần đầu tại Kỳ họp thứ 5 tới.

Thay mặt Chính phủ đọc Tờ trình về Dự án Luật Việc làm, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Luật Việc làm điều chỉnh các mối quan hệ xã hội về việc làm, bao gồm việc làm của người lao động có quan hệ lao động; việc làm của người lao động không có quan hệ lao động. Dự thảo Luật Việc làm đã được rút gọn xuống còn 7 Chương, 61 Điều, so với lần cho ý kiến đầu tiên tại UBTVQH là 9 Chương, 112 Điều.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì Phiên họp thứ 17. (Ảnh: TTXVN)

Trong phần thảo luận, đa số các đại biểu trong UBTVQH nhất trí cao với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội về sự cần thiết ban hành Luật Việc làm nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, đó là “Tạo môi trường và điều kiện để mọi người lao động có việc làm và thu nhập tốt hơn”; đồng thời, cho rằng việc ban hành Luật Việc làm là cần thiết nhằm góp phần phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động.

Làm rõ điều kiện và nguồn lực để thực hiện các chính sách hỗ trợ tạo việc làm

Chính sách hỗ trợ tạo việc làm là một trong những nội dung quan trọng của dự án Luật, được các thành viên UBTVQH quan tâm.

Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội nhất trí với việc quy định các nhóm chính sách về: Tín dụng vay vốn tạo việc làm; hỗ trợ chuyển dịch việc làm cho lao động nông thôn; hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên; chương trình việc làm công và hỗ trợ phát triển thị trường lao động.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban cũng cho rằng, để nâng cao tính khả thi và hiệu quả trong tổ chức thực hiện các chính sách này, cơ quan soạn thảo cần có đánh giá đầy đủ hơn tác động kinh tế - xã hội của các chính sách này. Trên cơ sở đó, tiếp tục làm rõ điều kiện và nguồn lực để thực hiện các chính sách hỗ trợ tạo việc làm.

Ngoài ra, về chính sách mới chương trình việc làm công (Điều 14), do Nhà nước tổ chức thực hiện nhằm hỗ trợ giải quyết việc làm tại chỗ và tạm thời ở khu vực nông thôn thông qua các chương trình, dự án ở các địa phương như: Chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình 30a của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững,… Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho hay, việc bổ sung chính sách này là cần thiết. Tuy nhiên, cần nghiên cứu để thu hẹp phạm vi phù hợp với tính chất giải quyết việc làm tạm thời và khuyến khích xã hội hóa để thu hút sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả của chính sách.

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Cần thể hiện rõ tình hình việc làm hiện nay, các đối tượng trong từng khu vực doanh nghiệp, Nhà nước... là khác nhau, do đó chính sách hỗ trợ cũng phải khác nhau. Ví dụ: Lao động nông thôn chiếm phần lớn trong số chưa có quan hệ lao động (67,2% ) nên phải có sự điều tiết. Đây là đối tượng đáng lưu ý. Theo đó, cần phải có chính sách hỗ trợ nhiều mặt để nhanh chóng đưa lao động nông thôn tham gia vào lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ để giảm lao động nông nghiệp. Vì vậy, nên thiết kế trong Dự thảo những chính sách, biện pháp phù hợp đối với từng đối tượng, đảm bảo tính thống nhất với các văn bản luật khác; đồng thời, cân đối nguồn lực và tính khả thi khi tổ chức thực hiện các chính sách này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gợi ý, nên nghiên cứu thêm chính sách tạo việc làm bền vững, việc làm xanh, nhất là khi Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu.

Quỹ bảo hiểm thất nghiệp: Có khả thi?

Liên quan đến chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội, thực hiện từ ngày 01/01/2009, Dự thảo Luật Việc làm dự kiến chuyển các quy định về bảo hiểm thất nghiệp trong Luật Bảo hiểm xã hội về dự án Luật Việc làm. Luật Bảo hiểm xã hội chỉ nên tập trung vào chính sách bảo hiểm hưu trí – tử tuất là chính sách bảo hiểm xã hội dài hạn.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai, việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động không có quan hệ lao động là cần thiết nhằm đạt mục tiêu về an sinh xã hội, vì hiện nay có khoảng 70% lực lượng lao động không có quan hệ lao động. Do vậy, cần có những biện pháp để thu hút số lao động này tham gia loại hình bảo hiểm thất nghiệp nhằm tăng tính bền vững cho việc làm của họ trong điều kiện thị trường lao động đang phát triển. Tuy nhiên, kinh nghiệm các nước cho thấy, việc mở rộng và quản lý các đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp đối với khu vực không có quan hệ lao động là khá phức tạp và quỹ bảo hiểm thất nghiệp dễ bị lạm dụng do những khó khăn trong việc xác định tình trạng thất nghiệp, công tác thu - chi, khả năng quản lý đối tượng hạn chế nên rất ít quốc gia thực hiện. Do vậy, đối với các nhóm được mở rộng tham gia chính sách bảo hiểm thất nghiệp, dự thảo Luật cần quy định nguyên tắc, xác định lộ trình mở rộng đối tượng và giao Chính phủ quy định cụ thể để việc tổ chức thực hiện đạt hiệu quả, phù hợp với khả năng quản lý và trình độ phát triển kinh tế - xã hội.

Về nguyên tắc, trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp do người lao động và người sử dụng lao động, dự thảo Luật quy định Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp và giao Chính phủ quy định cụ thể mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội thấy rằng, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đang trong thời kỳ đầu, Nhà nước có thể hỗ trợ một phần cho người lao động để chính sách đi vào cuộc sống. Khi chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã ổn định, ngân sách nhà nước sẽ không hỗ trợ thường xuyên cho quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Trong trường hợp quỹ bảo hiểm thất nghiệp bội chi thì ngân sách Nhà nước hỗ trợ phần còn thiếu để đảm bảo cân bằng quỹ.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển lại tỏ ra băn khoăn khi quy định hơi rộng. “Liệu lao động đóng 1% tiền lương tháng; người sử dụng lao động đóng 1% và Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% ngân sách có đủ chi hay không? Nếu thừa, khoản tiền này xử lý như thế nào?”- ông Phùng Quốc Hiển đặt câu hỏi.

Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển cho biết thêm: Theo giám sát của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội mới đây, hiện nay cả nước có 80 loại quỹ, trong đó 50 quỹ đang hoạt động. Vì vậy, cần phải giám sát, xem xét kỹ khi thành lập Quỹ này có thực sự cần thiết và bảo đảm đáp ứng yêu cầu hay không.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng: Không nên “bày” ra nhiều quỹ gây lãng phí, vì hiện nay đã có Ngân hàng chính sách xã hội để giải quyết chính sách xã hội, trong đó có chính sách giải quyết việc làm.

Ngoài ra, các thành viên UBTVQH cũng đề nghị, ban soạn thảo cần có đánh giá sâu về tình hình lao động, việc làm hiện nay; làm rõ sự gắn kết giữa việc đào tạo nghề, tạo việc làm với các chính sách an sinh xã hội; tiếp tục rà soát, cụ thể hóa những điều, khoản mang tính Nghị quyết trong dự án Luật; đánh giá tính khả thi của dự án Luật ...., để sau khi ra đời, Luật Việc làm thật sự đi vào cuộc sống.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam