Toàn xã có gần 2.400 hộ thì đã có 220 hộ là gia đình chính sách, có công với cách mạng; có 7 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 1 Anh hùng lực lượng vũ trang và 95 liệt sĩ, 32 thương bệnh binh.
Đường vào xã Phước Diêm. Ảnh: Văn Miên
Ngược dòng thời gian 21 năm về trước, Phước Diêm là một trong những địa phương có rất nhiều khó khăn, kết cấu hạ tầng thiếu thốn, đường giao thông xuống cấp, hộ nghèo cao... Mặc dù đã phải trải qua nhiều giai đoạn, song được sự hỗ trợ của các ngành, các cấp và sự tự lực vươn lên của toàn Đảng bộ và nhân dân, hôm nay Phước Diêm anh hùng đã có bước phát triển mới. Nhiều công trình hạ tầng được đầu tư xây dựng và phát huy hiệu quả như: điện lưới quốc gia, hệ thống bờ kè chắn sóng, đường giao thông nông thôn. Nhiều mô hình chuyển đổi sản xuất mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho nhân dân địa phương. Sự nghiệp giáo dục, y tế và văn hóa – xã hội không ngừng được tăng cường và phát triển.
Nhiều người dân xã Phước Diêm bây giờ đã có nhà cửa khang trang, xe cộ tấp nập, điện sáng đến tận từng nhà dân, đa số hộ dân đã có nhà xây kiên cố, gần 100% số hộ đã có tivi, xe máy, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 17 triệu đồng/năm. Mặt khác, với lợi thế là một xã ven biển, nên nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản được bà con nơi đây phát triển rất hiệu quả. Đặc biệt xã đã quan tâm, tạo điều kiện để ngư dân thành lập tổ đoàn kết đánh bắt xa bờ để các tàu thuyền hỗ trợ nhau trong khai thác hải sản, giúp đỡ nhau lúc bị nạn và làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Ông Phan Văn Sang, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Diêm, cho biết: Hiện nay toàn xã có gần 500 tàu thuyền, trong đó có hơn 370 thuyền đánh bắt xa bờ với công suất từ 90.000 CV trở lên, đặc biệt đã thành lập được 24 tổ đoàn kết đánh bắt xa bờ, hằng năm, sản lượng đánh bắt hải sản đạt gần 26.000 tấn. Nghề nuôi tôm ở địa phương cũng phát triển mạnh, với tổng diện tích trên 10 ha, sản lượng thu hoạch đạt 110 tấn. Hiện nay, xã Phước Diêm cũng tập trung phát triển thêm các nghề nuôi rong sụn, với diện tích 4 ha. Chỉ tính trong quý I năm 2013, sản lượng đạt 300 tấn tươi, tăng 7,5 lần so với cùng kỳ. Ngoài ra, nghề chế biến nước mắm, hấp khô cũng tận dụng được nguồn nguyên liệu trên địa bàn để sản xuất, chế biến, nâng giá trị sản phẩm mang lại một nguồn thu đáng kể cho ngư dân và tạo công ăn việc làm cho lao động tại địa phương. Trong những năm qua, tốc độ phát triển kinh tế có sự tăng trưởng khá đồng đều, trong giai đoạn 2009 – 2011 đạt hơn 11%; riêng năm 2012, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 19,5%.
Niềm vui được mùa hải của ngư dân xã Phước Diêm. Ảnh: Sơn Ngọc
Đời sống kinh tế ngày càng được cải thiện, nên người dân có điều kiện chăm lo cho con em học hành, trình độ dân trí ngày càng được nâng lên.
Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho người dân cũng được chú trọng. Nhìn sự đổi thay của quê hương, ông Nguyễn Văn Bông, ở thôn Lạc Tân 2 phấn khởi: “Trước đây đời sống kinh tế của bà con trong xã hết sức khó khăn. Giờ đây, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước nên xã có được hạ tầng tương đối khang trang, cuộc sống của người dân cũng khấm khá hơn. Riêng gia đình tôi cũng có 4 chiếc thuyền, mỗi năm cho thu nhập trên 500 triệu đồng. Cả cuộc đời tôi gắn bó với vùng đất này, tôi cảm thấy rất tự hào trước sự khởi sắc của quê hương mình”.
Đặc biệt, về Phước Diêm hôm nay không chỉ thấy đời sống của người dân được nâng lên mà diện mạo nông thôn nhiều đổi mới, trình độ dân trí được nâng cao. Trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, xã luôn xác định mục tiêu xây dựng xã văn hóa gắn với nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Hiện số hộ nghèo toàn xã chiếm 3,51%, giảm 0,55% so với năm 2011.
Quê hương anh hùng Phước Diêm đã thực sự đổi thay. Cuộc sống người dân được nâng lên, với diện mạo mới đẹp hơn, sung túc hơn. Lòng người nơi đây vẫn một lòng tin tưởng vào các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; vẫn kiên cường vượt qua bao khó khăn của cuộc sống để tiếp bước đi lên. Bởi thế mà tình người nơi đây cũng ấm áp, mặn mà như hương vị của biển quê hương.
Hàn Dạ Nguyệt