• EU chưa có kế hoạch sơ tán đại sứ quán tại Bình Nhưỡng
• Mỹ kêu gọi Triều Tiên kiềm chế
Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp người đồng cấp Mỹ Giôn Keri (John Kerry) bên lề Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển nhất thế giới (G-8) ở Luân Đôn (Anh), ông Lavrốp nói: "Về vấn đề Triều Tiên, chúng tôi không có khác biệt nào với Mỹ. Chỉ có điều không nên khiến người ta sợ hãi bằng các cuộc diễn tập quân sự". Ông cũng cho rằng đang có một cơ hội để làm lắng dịu tình hình.
Cùng ngày, ông Keri đã gặp Ngoại trưởng Nhật Bản Phưmiô Kisiđa (Fumio Kishida) và chia sẻ mối lo ngại về các động thái của Triều Tiên liên quan tới việc tái khởi động tổ hợp hạt nhân Dôngpiên (Yongbyong) cũng như các diễn biến mới đây nhằm chuẩn bị cho một vụ phóng thử tên lửa. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác nhằm ngăn chặn các ý định liên quan tới vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng. Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh Uyliam Hagơ (William Hague) cũng đã có cuộc gặp với ông Kisiđa và cho biết, Triều Tiên sẽ là một chủ đề chính tại Hội nghị Ngoại trưởng G-8. Theo ông, G-8 cần gửi một thông điệp thống nhất tới Triều Tiên.
Trong diễn biến khác cùng ngày, Chính phủ Philíppin đã hạ thấp cảnh báo của Triều Tiên về việc người nước ngoài nên rời khỏi Hàn Quốc trong bối cảnh tình hình an ninh bất ổn trên Bán đảo Triều Tiên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philíppin Raun Hécnanđê (Raul Hernandez) cho biết, Manila chưa xem xét thực hiện kế hoạch hồi hương quy mô lớn vào thời điểm này, song nêu rõ, các quan chức Philíppin ở Xơun (Seoul) sẵn sàng triển khai kế hoạch khẩn cấp bất cứ lúc nào nhằm đảm bảo an toàn cho hơn 40.000 công dân Philíppin tại đây.
Liên minh châu Âu (EU) cũng cho biết 7 nước EU có đại sứ quán tại Bình Nhưỡng chưa cần phải sơ tán. Người phát ngôn của Đại diện cấp cao về an ninh và đối ngoại của EU cho biết: "Chúng tôi đánh giá tình hình trên thực địa chưa đến mức phải sơ tán hoặc di chuyển các phái đoàn ngoại giao của châu Âu". Người phát ngôn này cho biết, theo Công ước Viên (Vienna) về Quan hệ ngoại giao, Bình Nhưỡng có nghĩa vụ bảo vệ các phái đoàn ngoại giao và công dân EU trong mọi hoàn cảnh. EU cũng kêu gọi Triều Tiên "kiềm chế trong lời nói và hành động" và ngồi vào bàn đàm phán để hóa giải căng thẳng. Hiện, EU cũng cho rằng "chưa đến lúc" phải thay đổi khuyến cáo du lịch đối với các công dân EU trong khu vực này.
Cùng ngày, Mỹ đã kêu gọi Triều Tiên kiềm chế trong bối cảnh có tin về khả năng nước này sắp phóng thử tên lửa. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Patrích Ventren (Patrick Ventrell) nhấn mạnh rằng, việc phóng tên lửa đạn đạo sẽ vi phạm các nghĩa vụ của Triều Tiên trong nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và chỉ hủy hoại mục tiêu phát triển kinh tế của nước này. Theo ông Ventren, Oasinhtơn đang theo dõi tình hình và phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và đối tác. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chắc Hâygơ (Chuck Hagel) cảnh báo tình hình căng thẳng tại Bán đảo Triều Tiên đang tiến tới ngưỡng nguy hiểm. Ông kêu gọi Triều Tiên không nên có thêm các hành động như bắn thử tên lửa, mà nên góp phần hạ nhiệt tình hình.
Theo TTXVN