LHQ đưa ra các khuyến nghị nhằm ngăn chặn sự lây lan của virút cúm H7N9

Ngày 5-4, Liên hợp quốc (LHQ) đã công bố danh sách các khuyến nghị nhằm ngăn chặn sự lây lan của virút cúm gia cầm H7N9, trong đó có việc tăng cường ý thức giữ gìn vệ sinh nghiêm ngặt và cách ly các giống vật nuôi.

• Thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) cấm vận chuyển gia cầm sống

Trong số các khuyến nghị, Tổ chức Lương- Nông của LHQ (FAO) kêu gọi người nông dân và những người chăn nuôi thường xuyên rửa tay và nuôi giữ động vật ở cách xa khu vực sinh sống của gia đình. FAO cảnh báo sự tiếp xúc trực tiếp với động vật mắc bệnh có thể gây nguy cơ cho con người, đồng thời khuyến cáo mọi người không nên ăn thịt động vật bị bệnh cũng như không lấy động vật bị bệnh làm thức ăn cho các động vật khác. Tổ chức này nhấn mạnh cần tiêu hủy những động vật bị bệnh nếu xác định được động vật đó là nguồn gốc gây nguy hại cho sức khỏe con người. Ngoài ra, cần thông báo ngay cho chính quyền những dấu hiệu bị bệnh hoặc tình trạng chết đột ngột và không rõ nguyên nhân của các loài gia cầm, chim nuôi, chim hoang dã hoặc các động vật khác để nhà chức trách có các biện pháp xử lý an toàn và ngăn chặn virút lây lan.

Người đứng đầu Phòng Thú y của FAO Hoan Lubrốt (Juan Lubroth) cho biết do virút H7N9 ngày càng khó phát hiện nên việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học tốt ngày càng trở nên cần thiết hơn để giảm nguy cơ virút lây nhiễm sang người và động vật. Theo ông, do chưa có báo động đỏ về sự lây lan của loại virút này nên những người nông dân có thể chưa ý thức được rằng virút đang lây lan trong các trang trại của mình. Các biện pháp an toàn sinh học và vệ sinh sẽ giúp mọi người tự bảo vệ mình trước sự lây lan của virút từ các con gia cầm hoặc các loài động vật tưởng chừng khỏe mạnh.

Trong khi đó, ngày 5-4, chính quyền thành phố Thượng Hải ở miền Đông Trung Quốc đã bắt đầu cấm mọi hoạt động vận chuyển gia cầm sống từ các nơi khác trên cả nước vào thành phố này sau khi tạm thời đóng cửa ba khu chợ trong nỗ lực ngăn chặn dịch cúm gia cầm H7N9.

Sở Nông nghiệp Thành phố cho biết sẽ tiến hành kiểm tra các tuyến đường vào thành phố nhằm ngăn chặn việc vận chuyển gia cầm sống. Đây là động thái mới nhất sau khi Thượng Hải phát hiện 6 trường hợp nhiễm virút H7N9, trong đó 4 người đã tử vong. Tính đến chiều 5-4, đã phát hiện 16 ca nhiễm bệnh tại Thượng Hải, Giang Tô, Chiết Giang và An Huy, trong đó 6 ca đã tử vong.

Cùng ngày, chính quyền Đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc) cho biết xét nghiệm ban đầu các mẫu bệnh phẩm của một bé gái 7 tuổi có các triệu chứng của bệnh cúm sau khi đi chơi Thượng Hải hồi tháng trước cho thấy kết quả âm tính với virút cúm H7N9. Bé gái này từng đi du lịch Thượng Hải, Giang Tô và Hồ Nam cùng gia đình từ ngày 23-3 đến ngày 3-4. Sau chuyến đi, ngày 5-4, em bị sốt và đau họng, và đã được đưa tới bệnh viện. Hiện em đang được cách ly để điều trị và đang trong tình trạng ổn định.

Người phát ngôn Sở Y tế Hồng Công cho biết hiện Hồng Công chưa phát hiện người nào bị nhiễm virút H7N9. Các du khách đến Hồng Công, đặc biệt từ Thượng Hải, An Huy, Giang Tô và Chiết Giang, nếu có các triệu chứng sốt hoặc đau họng đều được yêu cầu đeo khẩu trang, theo dõi tình trạng sức khỏe và phải thông báo lộ trình du lịch với bác sĩ.

Theo TTXVN