Những cuộc đời tưởng chừng “bỏ đi”
T.Đ.V. (sinh năm 1985) là con út trong một gia đình có điều kiện ở đất Sài thành. Chập chững bước sang cái tuổi trăng tròn, V. đã đua đòi học theo đám bạn ăn chơi xa xỉ. Quá nuông chìu con, bố mẹ V. cũng chỉ biết khuyên răn nhẹ nhàng chứ không dám quở phạt vì sợ V. bỏ đi. Chẳng mấy chốc V. sa đà vào ma túy và tiêu tiền như nước. Thấy con ngày càng hốc hác, xanh xao, mẹ V bắt đầu nghi ngờ và theo dõi. Than ôi, bà không ngờ khi tận mắt chứng kiến con “chơi” thuốc ngay trong phòng ngủ nhà mình.
Sự quan tâm, chia sẻ của cán bộ quản giáo Trung tâm GDLĐXH Ninh Thuận,
học viên T.V.R có thêm niềm tin và nghị lực cai nghiện ma túy,
sớm trở về cuộc sống đời thường
Thương con trai, bà năn nỉ V. đi cai nghiện ở Trung tâm Phú Văn. Được 6 tháng, V. cũng được hồi gia. Nhưng bạn nghiện rủ rê, V. lại “ngựa quen đường cũ”. Qua giới thiệu của người quen, V. quyết tâm vào Trung tâm GDLĐXH Ninh Thuận cai nghiện một lần nữa. V. tâm sự: Ban đầu tôi bất mãn với chính mình và nghĩ vô Trung tâm là coi như đi trại, mất tự do. Nhưng ở đây, tôi nhận ra một điều, sự tự do không phải từ người khác mang lại, mà chính ở bản thân mình. Khi tôi đã đoạn tuyệt được với ma túy là khi đó tôi được tự do như những người bình thường. Chính vì vậy, tôi đã quyết tâm cai nghiện và mong muốn được sớm trở về đoàn tụ gia đình, hòa nhập với cộng đồng”.
Trái hẳn với V, T.V.R (sinh năm 1991) lớn lên ở một làng biển của Tp.Phan Rang-Tháp Chàm. Gặp tôi, R. bẽn lẽn: Gia đình em nghèo lắm thì làm gì có tiền ăn chơi như nhiều anh em. Hơn mười tuổi đã tập tành nghề biển. Lớn hơn một chút thì bắt đầu đi bạn. Tiền có được một phần em giữ lại tiêu xài, còn bao nhiêu thì đưa mẹ phụ tiền chợ hàng ngày. Một lần thuyền đáp vào Cam Ranh, em theo bạn vào đó ăn nhậu rồi đi ca hát. Tụi nó nói thử không. Để tỏ ra mình cũng “anh hùng” nên em đã thử và bắt đầu nghiện thuốc. Được gần 1 năm thì em bị công an bắt và đưa vào Trung tâm để cai nghiện.
“Đánh thức” niềm tin
V. và R. chỉ là 2 trong số 80 học viên đang cai nghiện tại Trung tâm GDLĐXH Ninh Thuận. Họ như những “con ngựa bất kham”, cố tìm cách vùng vẫy khỏi cái “cương” với những bài học hoàn thiện nhân cách, là những giờ lao động trị liệu, là tình thương, sự sẻ chia, thậm chí lời lẽ giáo huấn có vẻ nặng nề nhưng cần thiết mà những người quản giáo ở Trung tâm thường ngày vẫn dùng làm phương pháp “thuần phục”.
Anh Đỗ Văn Long, Trưởng phòng Tổ chức Hành chính Trung tâm cho biết: Học viên ở đây là những người nghiện ma tuý, người bán dâm và người sau cai nghiện ma tuý. Họ có lối sống bất cần, buông thả, mặc cảm, dễ bị tổn thương, dễ kích động. Ngoài phương pháp chữa bệnh, cai nghiện; giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách; dạy nghề lao động sản xuất; tái hòa nhập cộng đồng, Trung tâm luôn đòi hỏi cán bộ cần có trình độ, kinh nghiệm và có nhiều kỹ năng để từng bước xây dựng niềm tin và giúp họ trở về cuộc sống đời thường.
Để giúp học viên mau tiến bộ, Trung tâm không chú trọng đến lý thuyết chung mà hướng đến “đánh thức” niềm tin, nghị lực sống và nỗ lực của chính bản thân mỗi học viên. Sau một tuần điều trị cắt cơn, tiêu độc, học viên bắt đầu sinh hoạt, học tập và lao động trị liệu cùng tập thể. Có lẽ với nhiều học viên ở đây, bài học “vỡ lòng” mà cán bộ quản giáo Trung tâm truyền đạt cho họ chính là bài học về giá trị của lao động. Nhiều học viên tâm sự rằng, nếu như trước đây, họ chỉ biết tiêu tiền của gia đình một cách vô tội vạ, thì hôm nay, Trung tâm đã dạy cho họ biết để làm ra đồng tiền phải đổ từng giọt mồ hôi. Từ bàn tay vốn dĩ chỉ biết bóc “thuốc”, nay họ đã biết trồng lúa, trồng mía, trồng cây ăn quả, cải tạo khuôn viên Trung tâm xanh-đẹp. Họ nhận ra những lỗi lầm trước đây, biết trân trọng gia đình và có niềm tin vào cuộc sống. Nhận thức được những điều đó, họ quyết tâm từ bỏ ma túy, ao ước trở về với gia đình và lao động chân chính.
Nghị lực vượt lên chính mình
Khi không còn e dè như ban đầu nữa, R. chia sẻ thêm: Hồi mới vô đây, em không được như thế này đâu. Chị cũng biết người nghiện ma túy như thế nào mà, gầy yếu, xanh xao lắm. Ở Trung tâm, giờ giấc kỷ luật, ăn-ngủ-lao động-học tập đúng giờ. Em và mấy anh, chị đến đây, hầu như ai cũng “lên cân” mặc dù phải làm việc nhiều hơn hồi ở nhà. Như em là dân đi biển làm quen rồi, chứ mấy anh công tử “bột” thì còn chưa phân biệt được đâu là cỏ, đâu là mía. Vậy mà giờ việc gì cũng biết làm. Mặc cảm nhất của R. bây giờ không còn là nỗi ám ảnh của nghiện ngập mà là sự “mù chữ”. Cùng với một số học viên khác, R. được cán bộ quản giáo của Trung tâm tập hợp lại để dạy chữ, R dần tự tin và nỗ lực làm lại cuộc đời.
Chị T.P.T- nhân viên Trung tâm cũng bộc bạch: Tôi vốn là học viên của Trung tâm. Những buổi học về tác hại của ma túy, những lời khuyên can, động viên, chỉ dạy của cán bộ ở Trung tâm đã giúp tôi chuyển hướng trong suy nghĩ. Tôi tự thấy mình không được gục ngã, phải đứng lên, làm lại cuộc đời. Chính vì vậy, sau khi cai nghiện ma túy thành công, tôi đã ở lại Trung tâm làm việc chỉ mong góp tiếng nói của mình-một người từng là con nghiện, giúp các học viên có thêm nghị lực từ bỏ ma túy.
Nghị lực sống của con người vốn dĩ mạnh mẽ nhưng đối với những người nghiện ma túy càng mãnh liệt biết nhường nào! Có những học viên tôi không tiện nêu tên, từng cai nghiện nhiều lần và mất hàng năm trời ở nhiều trung tâm cai nghiện nhưng vẫn không từ bỏ được. Thế nhưng, khi đến với Trung tâm GDLĐXH Ninh Thuận, tình yêu và niềm tin vào cuộc sống của họ đã được đánh thức bởi những bài học về hoàn thiện nhân cách, sự quan tâm, tình thương, sự sẻ chia của những cán bộ quản giáo ở đây-những người truyền cho người nghiện nghị lực vượt lên chính mình.
Diễm My