Ông Trần Văn Tiến, Ban Tổ chức và Nhân sự của EVN và ông Lý Tiến Hùng, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường thuộc Bộ GD&ĐT đã thông tin đến giáo viên và học sinh về nhu cầu nhân lực cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cũng như những chính sách ưu đãi, hỗ trợ người học. Theo đó, dự kiến nhu cầu nhân lực vận hành và bảo dưỡng 2 nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh ta là khoảng 2.200 người. Trong đó, lao động trình độ đại học là 884 người, bao gồm các ngành nghề: điện hạt nhân, vật lý hạt nhân và kỹ thuật hạt nhân, kỹ thuật hóa học, kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, kỹ thuật điện, cơ điện tử và cơ khí, công nghệ thông tin và một số nhóm ngành khác. Nhu cầu nhân viên có trình độ cao đẳng, trung cấp là 922 người, thuộc các chuyên ngành cơ khí, điện, xây dựng, nước, hàn, tiện… ngoài ra còn có khoảng 394 lao động phổ thông.
Hội thảo “Định hướng nghề nghiệp ngành điện hạt nhân dành cho học sinh lớp 12, năm 2013”.
Để đào tạo nhân lực cho điện hạt nhân, hiện nay, Bộ GD&ĐT giao cho 6 trường đại học và 1 trung tâm thực hiện với các chuyên ngành và chỉ tiêu năm 2013 như sau: Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh): 50 chỉ tiêu, thi khối A bao gồm các ngành: Năng lượng và điện hạt nhân, kỹ thuật hạt nhân, vật lý y khoa; Đại học Đà Lạt: 30 chỉ tiêu thi khối A ngành Kỹ thuật hạt nhân; Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) tuyển 70 chỉ tiêu, thi khối A và A1, ngành Công nghệ hạt nhân; Đại học Điện lực: tuyển 60 chỉ tiêu trong đó có 30 chỉ tiêu được cấp học bổng, thi khối A, A1 chuyên ngành điện hạt nhân; Đại học Bách khoa Hà Nội tuyển 160 chỉ tiêu, thi khối A, A1 các ngành: vật lý kỹ thuật và kỹ thuật hạt nhân; Đại học Bách khoa Đà Nẵng thi khối A, A1 các ngành vật lý kỹ thuật, kỹ thuật hạt nhân.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo cơ chế về chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho người được cử đi đào tạo, bồi dưỡng và tham gia giảng dạy trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Theo đó: Miễn hoàn toàn học phí và chi phí ký túc xá cho sinh viên; sinh viên loại giỏi trở lên được học bổng gấp 15 lần và sinh viên loại khá gấp 8 lần so với mức học bổng bình thường của trường; sinh viên năm cuối đạt loại khá trở lên được xét tuyển đi học 6 tháng tại một số nước phát triển về ngành năng lượng nguyên tử. Sinh viên tốt nghiệp loại giỏi trở lên được chuyển thẳng hệ cao học và làm nghiên cứu sinh trong và ngoài nước, được ưu tiên tuyển vào làm việc tại các cơ quan năng lượng nguyên tử mà không phải thử việc; sinh viên đang theo học Đại học tại Nga, nếu có nguyện vọng muốn làm việc lâu dài cho Tập đoàn điện lực Việt Nam tại Ninh Thuận, sẽ được hưởng thêm chi phí hỗ trợ 200USD/ tháng trong suốt quá trình học đại học.
Tại hội thảo, giáo viên và học sinh cũng được giới thiệu và giải đáp một số thắc mắc về kiến thức cơ bản năng lượng nguyên tử; ứng dụng của hạt nhân trong đời sống kinh tế - xã hội; chương trình đào tạo chuyên ngành điện hạt nhân; công tác đào tạo lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài…
Được biết, hội thảo “Định hướng nghề nghiệp ngành điện hạt nhân dành cho học sinh lớp 12, năm 2013” sẽ tiếp tục được tổ chức tại các tỉnh: Bình Thuận, Khánh Hòa và Lâm Đồng trong thời gian tới.
Bích Thủy