Bác Ái: Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục

(NTO) Học kỳ I, năm học 2012-2013, tỷ lệ học sinh tiểu học bỏ học trên địa bàn huyện Bác Ái là 0,16%; cấp THCS, không có học sinh nào bỏ học. Kết quả đáng mừng này chính là một trong những hiệu quả rõ nét nhất mà công tác xã hội hóa giáo dục đem lại.

Cũng như các trường học khác trên địa bàn huyện Bác Ái, những năm trước đây, Trường TH Phước Thành A còn nhiều khó khăn cả về cơ sở vật chất lẫn công tác duy trì sĩ số học sinh và nâng cao chất lượng. Gần 100% học sinh của trường là con em đồng bào dân tộc thiểu số, phần đông phụ huynh có tư tưởng “khoán trắng” việc học của con cho thầy, cô giáo.

Giờ học của học sinh lớp 2A, Trường TH Phước Thành.

Trước thực trạng ấy, trường đã chủ động triển khai chủ trương của ngành về đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục. Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, nhà trường kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh đóng trên địa bàn tài trợ kinh phí để tặng quà, trao học bổng cổ vũ tinh thần học tập cho học sinh. Ngoài ra, được sự hỗ trợ về ngày công, nguyên vật liệu từ người dân trong xã và lực lượng thanh niên trong các tổ chức cơ sở Đoàn, đội ngũ cán bộ, giáo viên của trường đã cùng chung tay sửa chữa phòng học, xây dựng thư viện ngoài trời, sân chơi, trồng cây xanh… tạo môi trường học tập thân thiện, lý thú cho học sinh. Nhờ đó, tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần tăng lên. Kết thúc học kỳ I, trường chỉ có 3 học sinh bỏ học, đặc biệt, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán năm 2013, lần đầu tiên tỷ lệ học sinh trở lại trường đạt 80% mà chưa cần giáo viên đến nhà vận động...

Không chỉ riêng Trường TH Phước Thành A, hầu hết các trường học trên địa bàn huyện Bác Ái đều đang đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục và có được những hiệu quả tích cực như thế.

Bác Ái là huyện nghèo của tỉnh, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số chiếm trên 95%. Vì vậy, việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục để kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội vào sự nghiệp trồng người thật sự là một chủ trương đúng đắn. Với phương châm “Tất cả vì học sinh thân yêu”, bên cạnh việc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Bác Ái còn có sáng kiến tổ chức những chương trình mà cả thầy cô giáo và phụ huynh học sinh đều có thể tham gia. Đồng chí Trần Thùy Vân, Trưởng Phòng GD&ĐT cho biết: Năm 2012, chiến dịch “Mùa hè xanh” do phòng phát động đã nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trên 38,5 triệu đồng, hơn 20 tấn xi-măng, hơn 200 cây gỗ và 200 khối đất… Trên 300 lượt cán bộ, công chức, viên chức đã tình nguyện tham gia vào chương trình. Mô hình “Hũ gạo tiết kiệm” do phòng phát động hiện nay cũng đã được nhiều trường học và các cơ quan trên địa bàn hưởng ứng nhiệt tình, góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân về sự nghiệp giáo dục.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương, hiện nay tất cả các trường học trên địa bàn huyện Bác Ái đều đã được hỗ trợ xây dựng sân chơi, thư viện ngoài trời; tường lớp học được sơn vẽ tranh, trồng cây xanh tạo khuôn viên trường xanh – sạch – đẹp. Bên cạnh nguồn hỗ trợ cho học sinh theo quy định, các trường bán trú duy trì và tổ chức tốt bữa ăn cho học sinh tại trường nhờ vào các nguồn hỗ trợ của phụ huynh và các nhà hảo tâm đóng góp.

Hiệu quả mà công tác xã hội hóa giáo dục đem lại, không chỉ được tính bằng những công trình hiện hữu về cơ sở vật chất, ý nghĩa to lớn hơn chính là sự thay đổi về nhận thức của cha mẹ học sinh và người dân nói chung về việc học, là tỷ lệ học sinh đến trường chuyên cần tăng lên, số học sinh bỏ học giảm và chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt. Nếu như ban đầu, việc hỗ trợ cho các trường chỉ là các doanh nghiệp với những phần quà, học bổng… thì nay, tất cả từ chính quyền xã, thôn, Đoàn Thanh niên, phụ huynh và cả các thầy, cô giáo cũng có thể chia sẻ, giúp đỡ bằng ngày công, bằng những nguyên vật liệu sẵn có. Thầy Nguyễn Thế Hải, Hiệu trưởng Trường TH Phước Thành A, cho biết: Từ chỗ phải kêu gọi, vận động… nay nhiều phụ huynh đã tự giác quan tâm hơn đến việc học và các hoạt động ở trường của con. Thậm chí, có những hoạt động như hội trại, văn nghệ… nhà trường chưa đặt vấn đề, nhiều phụ huynh đã tự nguyện mang cây xanh, vật liệu đến trường cùng thầy cô trang trí, chuẩn bị.

Công tác xã hội hóa giáo dục trên địa bàn huyện Bác Ái không chỉ đang góp phần đem lại những đổi thay tích cực về cơ sở vật chất và chất lượng học tập của học sinh, đây còn được xem là sợi dây gắn kết để xã hội, gia đình và nhà trường xích lại gần nhau hơn, cùng chung tay phát triển sự nghiệp giáo dục.