Linh hoạt chiêu sinh, vẫn khó tuyển
Tổng cục Dạy nghề cho biết, mùa tuyển sinh năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh khối các trường nghề là 1,5 triệu học viên sơ cấp, trung cấp và cao đẳng nghề. Chỉ tiêu này thấp hơn mùa tuyển sinh trước nhưng thực tế, việc tuyển sinh càng ngày càng khó.
Hướng nghiệp tốt là cách để người dân quan tâm nhiều hơn đến lựa chọn học nghề.
Theo lãnh đạo các trường nghề, mặc dù luôn rộng cửa đón học viên nhưng những năm trước, các trường nghề thường không tuyển đủ chỉ tiêu tuyển sinh mà phải đợi thí sinh không đỗ đại học đăng ký vào học. Theo ông Phạm Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề cơ điện và xây dựng Việt Xô, để thu hút thí sinh, mỗi năm trường phải tiêu tốn khá nhiều tiền cho việc quảng bá các ngành nghề tuyển sinh và đào tạo trên các phương tiện truyền thông… Thậm chí, trường phải lập tổ công tác tới các điểm trường trung học phổ thông, vùng nông thôn để tư vấn tuyển sinh.
Hiện nay cả nước có hệ thống 2.500 trường cao đẳng, trung cấp nghề. Rất nhiều trường nghề cho biết, trước mỗi mùa tuyển sinh, các trường thậm chí phải chi phí hàng chục triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng để tăng cường tiếp thị, quảng bá về việc tuyển sinh và đào tạo đến với các phụ huynh và thí sinh. Trang website của các trường cũng được đầu tư công phu với những thông tin quảng bá hấp dẫn. Bằng cách đó, theo Phó hiệu trưởng, Trường Cao đẳng nghề cơ điện xây dựng Việt Xô (thị xã Tam Điệp - Ninh Bình), kỳ tuyển sinh năm 2012, trường đã tuyển sinh đạt 80 - 85% chỉ tiêu dự kiến. Tuy nhiên, không phải trường dạy nghề nào cũng đạt được kết quả tích cực như vậy. Thậm chí, có trường hạ thấp chỉ tiêu tuyển sinh vẫn không thu hút được học viên.
Việc khó tuyển sinh của các trường nghề là do nhiều nguyên nhân. Hiện nay, các trường đua nhau mở ra nhiều ngành nghề đào tạo, trong khi số lượng học viên có hạn. Mặt khác, trang thiết bị dạy và học ở nhiều trường nghề hiện nay quá cũ kỹ lạc hậu cũng là một hạn chế.
Liên kết với các doanh nghiệp là một hướng để các trường khắc phục hạn chế trong đào tạo và giải quyết việc làm cho học viên. Tuy nhiên, tình hình kinh tế khó khăn thời gian qua cũng khiến một số doanh nghiệp giảm chú trọng liên kết đào tạo nghề với các trường. Lãnh đạo Trường Cao đẳng cơ giới Ninh Bình thừa nhận, trường chỉ liên kết thường xuyên được với một số ít doanh nghiệp tại địa phương. Phần lớn những doanh nghiệp vừa và nhỏ do chưa có chiến lược về nguồn nhân lực nên chưa quan tâm đến việc đặt hàng lao động với các trường.
Cái khó cho tuyển sinh không đơn thuần đến từ phía các trường nghề mà còn đến từ phía khách quan. “Những năm gần đây trường gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh còn là do chỉ tiêu tuyển sinh đại học, cao đẳng chuyên nghiệp cũng sụt giảm nên đã tạo ra sự cạnh tranh về ngành học ngày càng khắc nghiệt”, Nguyễn Đức Toàn, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề cơ điện xây dựng Việt Xô (thị xã Tam Điệp - Ninh Bình) cho biết.
Một nguyên nhân rất quan trọng nữa là hiện nay, tâm lý của học sinh và phụ huynh vẫn chuộng học các trường cao đẳng, đại học hơn là chuộng trường nghề. Ông Dương Đức Lân, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) thừa nhận: “Tuyển sinh về học nghề đang gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, trước mỗi kỳ thi, các phụ huynh cũng như học sinh khi đứng trước sự lựa chọn: Nên vào học đại học hay là nên đi học nghề thì tâm lý chung vẫn nghĩ là vào đại học mới có tương lai, mới có lương cao. Bên cạnh đó, thông tin về học nghề, dạy nghề còn quá ít đã ảnh hưởng nhiều đến định hướng nghề nghiệp của xã hội”.
Vì thế, theo lãnh đạo Tổng cục Dạy nghề, cần phải tuyên truyền và hướng nghiệp sao để cho xã hội hiểu được những ưu điểm của việc học nghề. “Có nhiều người giỏi tay nghề, chỉ mấy năm sau khi tốt nghiệp trường nghề đã có thể mở được những xưởng sản xuất có tới hàng trăm công nhân. Nếu lựa chọn được ngành nghề phù hợp với năng lực bản thân và nhu cầu của xã hội thì cơ hội thành công cũng rất lớn”, ông Dương Đức Lân nhấn mạnh.
Nguồn Báo Tin tức-TTXVN