Bão xuất hiện sớm, kết thúc muộn
Năm 2012 đã có 10 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, trong đó 4 cơn bão hưởng trực tiếp tới nước ta gây thiệt hại nặng nề về người và của là cơn bão số 1, 5,7 và 8. Riêng cơn bão số 8 với cường độ mạnh gây thiệt hại đáng kể cho các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Nam Định và một số tỉnh thuộc Bắc Bộ.
Bão số 1 năm 2012 làm cây đổ đè lên nhà dân ở xã Tam Phước, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai. Ảnh minh họa.
Ở Bắc bộ, Nam bộ và Tây Nguyên, mùa mưa đều đến sớm nhưng lượng mưa phân bố không đều theo cả thời gian và không gian. Đặc biệt vào tháng 10 và 11/2012 ở khu vực Trung và Nam Trung bộ đều thiếu hụt lượng mưa từ 70-80%, nhiều hồ chứa cạn kiệt gây thiếu nước, gây hạn hán nghiêm trọng ở khu vực này từ đầu năm 2013 đến nay. Tại khu vực Nam bộ, mực nước ở các sông thuộc mức thấp, tình hình xâm nhập mặn xuất hiện sớm. Triều cường xảy ra nhiều đợt và ở mức cao.
Bên cạnh đó, năm 2012 còn xảy ra 11 trận động đất từ 3,3 đến 4,7 độ Richter. Riêng khu vực Bắc Trà My- Quảng Nam có tới 7 trận. Ngoài ra, trong năm còn xảy ra nhiều đợt dông, lốc xoáy kèm theo mưa đá ở nhiều tỉnh, gây thiệt hại đáng kể về người và tài sản.
Chung tay ứng phó với thiên tai
Để ứng phó với thiên tai xảy ra bất thường, trong năm 2012, chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo chính sách, pháp luật, về lĩnh vực phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN). Thủ tướng chính phủ đã quyết định hỗ trợ cho các địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai là 1.445,8 tỷ đồng và 6.500 tấn gạo.
Ban phòng chống lụt bão trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chỉ đạo, đôn đốc các tỉnh thành phố triển khai quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo an toàn hồ chứa, sơ tán dân, chỉ đạo việc tu bổ xây, xây dựng, nâng cấp đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, xây dựng các công trình phòng chống sạt lở, khu neo đậu tàu thuyền…
Bộ Quốc phòng cũng đã huy động gần 135.300 lượt cán bộ chiến sĩ và dân quân tự vệ để ứng phó với bão lũ.
Theo Ban chỉ đạo PCLB TW, nhằm chủ động đối phó với thiên tai năm 2013, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước cần thực hiện mọi hành động theo phương châm “chủ động phòng tránh , ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, trong đó lấy phòng, tránh là chính”; đồng thời tập trung vào thực hiện các nhiệm vụ của chính phủ giao về Chiến lược quốc gia về phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020.
Các bộ, ban, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng đê điều, hồ đập và công trình thủy lợi, tập huấn và diễn tập các cán bộ trong công tác PCLB, xác định trọng điểm và xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm nước lũ năm 2013.
Nguồn Báo Tin tức-TTXVN