Tuy nhiên, thách thức vẫn ở phía trước bởi trên thực tế, thành tích xuất siêu này là nhờ sự đóng góp chủ lực của khối doanh nghiệp ngoại trong khi khối doanh nghiệp nội vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn do thị trường thu hẹp, hàng tồn kho cao... Thực tế này đòi hỏi cần phải có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và xuất khẩu.
Xuất siêu nhưng có dấu hiệu giảm tốc
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu quý I này ước đạt 2 9,68 tỉ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2012 (tương đương tăng 4,88 tỷ USD) nhưng xuất khẩu của Việt Nam đang có dấu hiệu giảm tốc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã đưa ra cảnh báo như vậy tại giao ban trực tuyến sản xuất kinh doanh của Bộ Công Thương ngày 1/4.
Xuất khẩu có dấu hiệu giảm tốc
Bày tỏ sự lo lắng về “tảng băng chìm” đằng sau thành tích xuất siêu quý I, ông Khánh chỉ rõ: Xuất khẩu của Việt Nam đang chịu ảnh hưởng rất lớn từ xuất khẩu mặt hàng điện thoại di động của Công ty Samsung Việt Nam bởi nếu loại trừ kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này ra khỏi kim ngạch chung thì con số tăng trưởng xuất khẩu quý I chỉ còn 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái và kim ngạch xuất khẩu tháng 3 giảm mạnh so với 2 tháng đầu năm”. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam như gạo, thủy sản cũng giảm rất mạnh so với cùng kỳ 2012. Điều này cho thấy, xuất khẩu có những dấu hiệu suy giảm. Vì vậy, 3 quý còn lại phải nỗ lực hết sức triển khai các giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu cả năm, nhất là trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản chưa có dấu hiệu hồi phục rõ ràng do khó khăn kinh tế, ông Khánh nhấn mạnh.
Sản xuất ván thanh ghép tại Công ty TNHH Hoàng Đức Linh (Quảng Trị). Ảnh: Trần Việt - TTXVN
Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ cho biết: Cả hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực là gạo và cá tra của Cần Thơ cũng như của nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang gặp khó khăn. Do gặp khó khăn về đầu ra nên các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn đang phải “ôm” lượng gạo tồn kho rất lớn. Trong khi đó, chính sách tạm trữ 1 triệu tấn gạo của Chính phủ trong thời gian qua lại chỉ có tác dụng nhất thời giúp thị trường gạo trong nước sôi động hơn ở thời điểm ngắn nhưng chưa phải là chính sách “thấu tình đạt lý” bởi không mang lại nhiều lợi ích trực tiếp cho người nông dân mà chỉ làm lợi chủ yếu cho thương lái và các khâu trung gian mua bán.
Thực tế cho thấy, trong ba tháng đầu năm, thị trường xuất khẩu gạo trầm lắng, cho dù giá giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã thấp nhất thế giới (chỉ từ 380 - 400 USD/tấn), thấp hơn 50 USD/tấn so với Ấn Độ và một số nước ASEAN nhưng vẫn khó tiêu thụ. Vì vậy, doanh nghiệp thu mua thóc của nông dân với giá cũng thấp theo, khiến đời sống nông dân càng thêm khó khăn, ông Toại nhấn mạnh.
Chính sách phải đồng bộ và linh hoạt hơn
Trước việc nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh: Trong khi các nước đang có xu hướng kiện bán chống phá giá, tăng bảo hộ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước gây khó khăn cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam thì các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra ở trong nước lại cạnh tranh không lành mạnh để xuất khẩu bằng mọi cách. Vì vậy, giải pháp lúc này có thể phải đặt ra giá sàn xuất khẩu cá tra để buộc các doanh nghiệp phải cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo chất lượng sản phẩm khi xuất khẩu.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng yêu cầu các vụ chức năng tiếp tục triển khai Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia giai đoạn 1 nhằm tìm kiếm, mở rộng, khai thông thị trường đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản và các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu; phổ biến kịp thời thông tin thị trường; sớm phát hiện và có biện pháp vượt qua các rào cản kỹ thuật.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng như cà phê, gạo, thủy sản và các doanh nghiệp để thực hiện các biện pháp tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kịp thời nắm bắt thông tin, tình hình, kiến nghị từ các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp để có hướng giải quyết phù hợp. Bộ cũng kiến nghị Chính phủ và các ngân hàng ưu tiên cấp tín dụng, bảo đảm đủ vốn cho nông dân và doanh nghiệp mua gom nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu; cũng như có quy chế để ngân hàng thương mại bảo đảm lãi suất cho doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu vay theo quy định, không phát sinh thêm chi phí.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, xuất khẩu quý I này không được lợi về giá khi giá bình quân xuất khẩu của một số mặt hàng nông sản và tất cả các mặt hàng thuộc nhóm nhiên liệu, khoáng sản đã giảm mạnh khiến kim ngạch xuất khẩu 2 nhóm này bị giảm 456 triệu USD. Trong khi đó, do tình hình thời tiết không thuận lợi, hạn hán xảy ra ở khu vực phía Nam nên một số mặt hàng nông sản như cà phê, cao su, chè đều có sản lượng xuất khẩu giảm.
Nguồn Báo Tin tức-TTXVN