Chiều 28/3, Liên Bộ Tài chính - Công thương bất ngờ có công văn điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu kể từ 20h cùng ngày.
Theo đó, xăng được điều chỉnh tăng tối đa 1.430 đồng/lít lên 24.580 đồng/lít. Trong khi đó, dầu điêzen tăng tối đa 362 đồng/lít, dầu hỏa tăng 480 đồng/lít và dầu madut tăng 807 đồng/kg.
Theo Liên Bộ Tài chính - Công thương, từ cuối năm 2012, đầu năm 2013 giá xăng dầu thế giới vận động theo xu hướng tăng đã làm giá cơ sở tăng cao. Để giữ ổn định giá bán xăng dầu trong nước nhằm bình ổn giá cả thị trường, Nhà nước đã liên tục điều hành để giữ ổn định, không tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước mà sử dụng Quỹ Bình ổn giá.
Mặt khác, hiện mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu như sau: xăng 2.000 đồng/lít, dầu điêzen 800 đồng/lít, dầu hỏa 1.150 đồng/lít, dầu madút 650 đồng/kg.
Liên Bộ Tài chính - Công thương cho biết, giá trong nước hiện thấp hơn giá của các nước có chung đường biên giới với Việt Nam từ 2.000 - 5.000 đồng/lít dẫn đến tình trạng buôn lậu xăng dầu diễn ra rất phức tạp.
Ngay sau thông báo của Liên bộ, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex cũng đã có thông báo mức giá xăng dầu mới được áp dụng tại tất cả hệ thống phân phối của Petrolimex từ thời điểm 20h ngày 28/3.
Cụ thể như sau:
Chúng tôi trích đăng cuộc trao đổi của Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú trên VTV ngay sau thông báo tăng giá xăng dầu của Liên bộ Tài chính- Công thương.
P.V: Thứ trưởng có bình luận gì về việc quyết định điều chỉnh giá xăng dầu của Bộ Tài chính vừa công bố?
Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú: Với tư cách là người theo dõi thị trường xăng dầu, tôi cho rằng quyết định của Bộ Tài chính là hợp lý.
P.V: Ông có thể cho biết, dựa trên cơ sở gì để cho rằng đây là quyết định điều chỉnh hợp lý khi giá xăng dầu thế giới vài ngày gần đây đang giảm?
Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú: Lần tăng giá xăng dầu gần đây nhất là ngày 28/8/2012. Kể từ đó đến nay, giá xăng dầu thế giới đã tăng trong thời gian dài.
Tuy nhiên thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ bình ổn giá xăng dầu trên thị trường, Bộ Tài chính đã quyết định cho các doanh nghiệp sử dụng Quỹ bình ổn giá để bình ổn. Ngoài ra, Chính phủ cũng tiếp tục duy trì thuế ở mức thấp và đồng thời giảm một số chi phí định mức trong công thức tính giá.
Nhờ những biện pháp trên cho đến nay, giá xăng dầu bán lẻ trên thị trường cao hơn giá chúng ta tính toán là khoảng 800 đồng/lít. Tuy nhiên đến nay, Quỹ bình ổn giá đã hết. Nhiều doanh nghiệp thậm trí Quỹ bình ổn giá đã âm, không còn khả năng dùng để bình ổn.
Hiện giá xăng dầu thế giới tuy có giảm, nhưng vẫn ở mức cao. Bởi vậy cùng với việc rút bỏ sử dụng Quỹ bình ổn giá chúng ta phải tăng giá để bù đắp lại.
PV: Vậy trong thời gian tới, việc điều hành giá xăng dầu sẽ được liên Bộ Tài chính - Công thương điều hành như thế nào?
Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú: Việc điều hành giá xăng dầu cũng như giá tất cả các loại hàng hóa khác theo thị trường là định hướng một cách nhất quán của Đảng và Chính phủ.
Trước mắt chúng ta giải quyết các vấn đề sau:
Thứ nhất, phải đưa trở lại thuế thông thường đối với sản phẩm xăng dầu. Chẳng hạn như hiện thuế đang là 12% đưa về mức 2% là mức thuế thông thường.
Thứ 2, đảm bảo trích Quỹ bình ổn giá làm sao cho không quá nhiều, cũng không quá ít để bình ổn vào thời điểm giá thế giới tăng.
Thứ 3, đảm bảo cho các chi phí phù hợp với các chi phí thực tế trên thị trường.
Trên cơ sở 3 yếu tố đó, chúng ta phải đưa được giá của chúng ta bằng với giá biến động giá trên thế giới.
Nguồn VOV Online