Toạ đàm phát triển du lịch vùng duyên hải miền Trung.

(NTO) Trong khuôn khổ các hoạt động liên kết phát triển kinh tế- xã hội 9 tỉnh duyên hải Nam Trung bộ tổ chức tại thành phố Đà Nẵng, từ ngày 21 đến ngày 22- 3, Ban điều phối đã tổ chức cuộc toạ đàm "Phát triển du lịch vùng duyên hải Nam Trung bộ.

Dự toạ đàm có lãnh đạo 9 tỉnh, từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, lãnh đạo Tổng cục Du lịch, các nhà khoa học, đại diện các tổ chức ngoại giao của nước ngoài, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đã và đang đầu tư du lịch vào khu vực. Đồng chí Đỗ Hữu Nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận tham gia chủ trì toạ đàm.

Đại biểu quốc tế phát biểu tại Toạ đàm phát triển du lịch vùng duyên hải miền Trung.
 

Du lịch được đánh giá là ngành kinh tế mũi nhọn trong các nhóm ngành kinh tế, giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế của khu vực, cần có sự liên kết chặt chẽ để cùng phát triển. Sau lời đề dẫn hội thảo của PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên nhóm tư vấn, các đại biểu đã sôi nổi tham gia phát biểu. Các tham luận đều tập trung giải đáp câu hỏi, miền Trung đẹp thế mà sao nghèo? Là khu vực rất có tiềm năng du lịch như điều kiện tự nhiên sinh thái, đặc sắc văn hoá truyền thống, điều kiện giao thông ngày càng thuận lợi nhưng miền Trung vẫn là khu vực chậm phát triển, nhất là du lịch. Tổng mức đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch thấp, số lượng cơ sở lưu trú có đẳng cấp ít, nguồn nhân lực phục vụ du lịch yếu kém, cách làm du lịch của Việt Nam thiếu tính chuyên nghiệp.

Đáng chú ý là tham luận của các nhà ngoại giao, nhà đầu tư nước ngoài. Ông Kai Marcus Schroter, Phó Chủ tịch Uỷ ban Du lịch Châu Âu, trong tham luận "Thu hút đầu tư nước ngoài vào các dự án du lịch vùng duyên hải trung bộ" cho rằng, miền Trung Việt Nam là một trong những vùng có bãi biển đẹp hàng đầu thế giới, khí hậu tổt, chính trị, trật tự xã hội ổn định, nhưng thời gian gần đây, một số chỉ số cạnh tranh của Việt Nam, nhất là đối với nhà đầu tư đang bị mất điểm, nhất là đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Nhiều địa phương bỏ lỡ các cơ hội đầu tư vì một số vướng mắc trong thủ tục hành chính không đáng có. Các ngành, các địa phương chưa có hoạch định chiến lược, quy hoạch chưa rõ ràng. Làm du lịch ở Việt Nam ngành nào biết ngành đó, địa phương nào biết địa phương đó, thiếu sự liên kết từ các cơ quan quản lý nhà nước đến các doanh nghiệp như giữa giao thông, các ngành dịch vụ phục vụ du lịch. Nhiều tỉnh có chính sách ưu đãi đầu tư rất tốt, tuy nhiên không phải ngành nào, cấp nào cũng chấp hành đầy đủ. Nói gì thì nói, hợp tác, ký kết, liên kết....đối với nhà đầu tư, đích họ nhắm đến là lợi nhuận. Vì vậy, các ngành, các địa phương cũng phải tạo điều kiện tốt nhất để nhà đầu tư tạo ra lợi nhuận hợp lý.

Đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh cũng đã sôi nổi thảo luận, đề xuất đối với các cơ quan Trung ương, với lãnh đạo các tỉnh tháo gỡ khó khăn, tăng cường đầu tư hạ tầng du lịch, liên kết phối hợp trong tổ chức các hội chợ du lịch, các sự kiện văn hoá, thể thao để quảng bá du lịch, đề nghị thành lập Hiệp Hội du lịch Duyên hải miền Trung. Lãnh đạo Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Ninh Thuận cũng đã tham luận về sự khởi sắc của Du lịch Ninh Thuận, một số thành tựu cũng như vướng mắc mà ngành du lịch Ninh Thuận đang gặp phải như hệ thống giao thông, mối liên kết với các Công ty lữ hành trong và ngoài nước, đề xuất với Tổng cục Du lịch về việc quan tâm đầu tư quảng bá du lịch bình đẳng giữa các địa phương, chủ trì tổ chức các Hội chợ du lịch khu vực Duyên hải Trung bộ, đề xuất với các cơ quan ngoại giao và các doanh nghiệp về tăng cường hợp tác trong việc đầu tư phát triển du lịch Ninh Thuận. Mặc dù thời gian hạn hẹp, nhưng toạ đàm đã có tác dụng rất lớn trong việc liên kết phát triển du lịch các tỉnh duyên hải Trung bộ Việt Nam.