Doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm, cá nhân không phải nộp thuế GTGT

Đây là đề nghị của Chính phủ với Quốc hội về sửa đổi, chuyển căn cứ xác định không chịu thuế đối với cá nhân kinh doanh từ thu nhập, lương sang doanh thu trong Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) do Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Mai trình bày trước UBTVQH sáng nay 18/3.

Bà Nguyễn Thị Mai cho biết Luật Thuế GTGT đang quy định hàng hóa, dịch vụ của cá nhân kinh doanh có mức thu nhập bình quân tháng thấp hơn mức lương tối thiểu chung áp dụng đối với tổ chức, doanh nghiệp trong nước thì không chịu thuế GTGT.

Tuy nhiên, việc căn cứ vào mức tiền lương tối thiểu không phù hợp với bản chất thuế GTGT là thuế gián thu thu theo hàng hoá dịch vụ, gây khó khăn, phức tạp cho cả người nộp thuế và công tác quản lý. Bên cạnh đó, mức lương tối thiểu được phân loại theo 4 vùng, được điều chỉnh thường xuyên hàng năm nên các hộ kinh doanh không thể tự xác định được có thuộc đối tượng phải kê khai nộp thuế GTGT hay không.

Do đó, Chính phủ đề nghị Quốc hội sửa đổi, chuyển căn cứ xác định không chịu thuế đối với cá nhân kinh doanh từ thu nhập, lương sang doanh thu. Mức doanh thu tối thiểu không chịu thuế là thấp hơn 100 triệu đồng/năm, tương đương với mức doanh thu gần 9 triệu đồng/tháng không phân biệt theo ngành nghề, địa bàn.

Các hộ cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng trở lên mới phải nộp thuế GTGT.

Thảo luận nội dung này, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cũng như các ý kiến của UBTVQH cho rằng căn cứ để xác định mức doanh thu chưa được lý giải cụ thể dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn. Chính phủ cần làm rõ căn cứ, tiêu chí để xác định mức doanh thu này để thực hiện hiệu quả, chính xác thuế GTGT.

Cũng về quy định nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, UBTVQH đồng tình với Dự thảo luật bổ sung một số nhóm đối tượng vào diện không chịu thuế: Sản phẩm bảo hiểm về con người, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm dịch vụ tàu cá đánh bắt xa bờ, dịch vụ cho vay của người nộp thuế không phải là tổ chức tín dụng, bán nợ, kinh doanh ngoại tệ,...

Về ngưỡng đăng ký nộp thuế và phương pháp tính thuế, dự thảo luật bổ sung quy định ngưỡng các doanh nghiệp đều phải đăng ký thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ và sử dụng hoá đơn GTGT khi bán hàng hoá, dịch vụ. Dự thảo luật giao Chính phủ quy định cụ thể về mức ngưỡng doanh thu và điều kiện đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ. Bổ sung quy định về cách xác định GTGT theo phương pháp trực tiếp.

Đa số ý kiến của UBTVQH tán thành với quy định về ngưỡng doanh thu tính thuế. Tuy nhiên, Dự thảo luật mới chỉ dừng ở việc xác định các nội dung có tính nguyên tắc, giao Chính phủ quy định cụ thể về ngưỡng doanh thu, điều kiện đăng ký tự nguyện, tỷ lệ % trên doanh thu,... dẫn đến tính minh bạch của chính sách chưa cao.

Trong khi đó, ngưỡng doanh thu tính thuế, tỷ lệ % trên doanh thu là những vấn đề có liên quan trực tiếp tới quyền, nghĩa vụ của công dân, tới nguồn thu của NSNN nên việc giao Chính phủ quy định chi tiết là chưa phù hợp về mặt thẩm quyền quyết định chính sách thuế theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội.

Đối với phương pháp tính thuế (phương pháp khấu trừ và phương pháp trực tiếp) trên cơ sở xác định ngưỡng doanh thu tính thuế, các ý kiến cho rằng việc tính toán số thuế phải nộp được xác định thông qua GTGT, dẫn đến phức tạp trong tính toán, chưa bảo đảm mục tiêu đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện. Vì vậy, đề nghị quy định theo hướng: Cơ sở kinh doanh có doanh thu từ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới mức ngưỡng doanh thu tính thuế thì số thuế phải nộp được xác định theo tỷ lệ % trên doanh thu, không xác định thông qua GTGT của hàng hóa, dịch vụ bán ra. UBTVQH quy định chi tiết về tỷ lệ % trên doanh thu đối với từng nhóm hàng hóa, dịch vụ.

Về thời điểm luật có hiệu lực, Chính phủ đề nghị Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014, tuy nhiên, UBTVQH cho rằng Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014 nhằm kịp thời khắc phục hạn chế của Luật hiện hành, bảo đảm đồng bộ với thời điểm thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

* Sáng cùng ngày, UBTVQH đã biểu quyết thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối. Theo đó, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số quy định về mang ngoại tệ, tiền đồng Việt Nam và vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh; xuất khẩu, nhập khẩu ngoại tệ; đầu tư trực tiếp- gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam; vay, trả nợ nước ngoài của người cư trú…

Pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 1/1/2014.

Nguồn Chinhphu.vn