Xây dựng nông thôn mới Phước Thái - Nhìn từ lĩnh vực an ninh trật tự

(NTO) Là xã nông nghiệp, với dân số trên 11.300 người, bao gồm 4 dân tộc Chăm, Kinh, Raglai và Hoa cùng chung sống lâu đời, trong đó đông nhất là dân tộc Chăm, chiếm tỷ lệ 66,1%, từ lâu Phước Thái (Ninh Phước) đã có nhiều cách làm hay về vai trò tộc họ giáo dục con cháu trở thành công dân tốt. Được chọn là 1 trong 3 xã điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh, gần đây, Phước Thái tiếp tục làm điểm mô hình xã lành mạnh, khu dân cư an toàn về an ninh trật tự (ANTT).

Dựa vào dòng kênh Nam chảy qua, người dân Phước Thái canh tác nông nghiệp trên cánh đồng lúa 3 vụ chủ động nước, đời sống dù chưa phải đã hết khó khăn nhưng đa số luôn ý thức và nhiệt tình với phong trào khuyến học, khuyến tài. Anh Đổng Văn Ly, Trưởng Công an (CA) xã nhận xét: Người dân địa phương, nhất là đồng bào Chăm không chỉ có truyền thống hiếu học mà còn biết đoàn kết dòng tộc góp sức bảo vệ ANTT ở khu dân cư. Từ khi bước vào triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, cấp uỷ và chính quyền xã Phước Thái đã nhận thức rõ muốn phát huy vai trò chủ thể của người dân trong tiến trình xây dựng và hoàn thành các tiêu chí, trước hết phải tạo cuộc sống thôn xóm bình yên. Theo anh Lâm Gia Thịnh, Phó Trưởng CA xã, chỉ tính riêng mô hình nhân dân tự quản về ANTT, toàn xã hiện có 42 tổ nhân dân tự quản, 38 tộc họ tự quản (trong đó có 16 tộc họ đã xây dựng được quy chế hoạt động) và 4 câu lạc bộ (CLB) không có chồng, con vi phạm pháp luật và mắc các tệ nạn xã hội. Đặc biệt, từ làm điểm ở thôn Như Ngọc, đến nay mô hình Tổ AN xung kích (gồm các thanh niên và nông dân địa phương) đã nhân rộng qua 4 thôn trên địa bàn xã là: Như Bình, Thái Hoà, Hoài Trung và Hoài Ni.

 
Một góc thôn Hoài Trung thuộc xã Phước Thái ngày nay

Anh Lưu Văn Thuỷ, Chủ tịch UBND xã cho biết: Mặc dù tình hình ANTT trên địa bàn còn diễn biến phức tạp, nhưng hoạt động các mô hình tự quản đang là nhân tố quan trọng giúp cho Phước Thái từng bước xây dựng xã lành mạnh, an toàn về ANTT. Trong các tộc họ tự quản ở Phước Thái, đã có một số tộc họ làm tốt việc quản lý, giáo dục con cháu, trong đó nổi bật là dòng tộc ông Hán Tấn Sướng, ở thôn Như Bình và dòng tộc ông Đàng Năng Hoà thuộc thôn Hoài Trung, đã nêu cao tinh thần trách nhiệm giáo dục con cháu trong dòng tộc chấp hành mọi chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Tìm hiểu phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở Phước Thái, chúng tôi nhận thấy có vai trò tham gia tích cực của Mặt trận và các đoàn thể. Đơn cử Hội Phụ nữ xã sau khi vận động thành lập CLB “không có chồng con vi phạm pháp luật và mắc các tệ nạn xã hội” ở thôn Đá Trắng (gồm 30 thành viên) vào năm 2011, do hiệu quả tuyên truyền giáo dục mang lại, đến nay Hội đã thành lập thêm 4 CLB tại các thôn: Hoài Ni (45 thành viên), Thái Giao (25 thành viên), Thái Hoà (26 thành viên) và Như Ngọc (25 thành viên). Nhưng đáng chú ý hơn cả là các Tổ AN xung kích, từ tác dụng thiết thực thấy rõ trong việc bảo vệ trật tự trị an thôn xóm, người dân đã tự nguyện đóng góp mỗi tháng 10.000 đồng/hộ để giúp tổ có kinh phí duy trì hoạt động.

Theo anh Đổng Văn Ly, các mô hình nhân dân tự quản về ANTT đã bước đầu phát huy vai trò của mình trong việc vận động nhân dân đoàn kết, bảo vệ xóm thôn nơi cư trú. Điển hình nhất là vụ xảy ra trước Tết Nguyên đán vừa qua, do mâu thuẫn trong chuyện đi xe lạng lách, nhóm thanh niên các thôn Thái Giao, Thái Hoà và các thôn Hoài Trung, Hoài Ni đã gọi điện thoại thách đố nhau ẩu đả. Nhận được tin, CA xã đã kịp thời có mặt giải tán 2 nhóm và tham mưu cấp uỷ, chính quyền tổ chức ngay cuộc họp dân của từng thôn. Qua sự tham gia của Mặt trận, các đoàn thể, đồng thời tranh thủ các già làng, chức sắc địa phương phát động người dân có trách nhiệm giáo dục con cháu. Một số đối tượng thuộc các dòng tộc đã được CA xã liên hệ với người đứng đầu dòng tộc gọi lên nhắc nhở, răn dạy. Qua vụ việc trên, Phước Thái đã có thêm bài học kinh nghiệm về huy động người dân trong việc xử lý, không để việc nhỏ trở thành “điểm nóng” gây bất ổn cho AN nông thôn.

Nhìn chung, Phước Thái đang có những nỗ lực trong việc xây dựng xã lành mạnh, khu dân cư an toàn về ANTT. Tuy nhiên, theo anh Lưu Văn Thuỷ, nếu so sánh với thực tế khảo sát, muốn đạt được tiêu chí 19 về “Giữ vững AN, trật tự xã hội NT” (trong bộ tiêu chí xây dựng NTM), Phước Thái còn phải phấn đấu thêm nhiều. Đặc biệt là phải ngăn chặn hiệu quả nạn trộm cắp, băng nhóm thanh-thiếu niên đánh nhau và nhân rộng hơn nữa các mô hình nhân dân tự quản về ANTT. Trong đó, trọng tâm là tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác giữ gìn trật tự trị an.