Phước Diêm: Đẩy mạnh phong trào “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới

(NTO) Thực hiện Phong trào thi đua "Dân vận khéo" gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng ng thôn mới (NTM), thời gian qua Mật trận, các tổ chức, đoàn thể ở xã Phước Diêm (Thuận Nam) tập trung hướng về các thôn vận động nhân dân giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Kết quả đạt được là đáng ghi nhận.

Phước Diêm là địa phương ven biển, toàn xã có 2.388 hộ sinh sống ở 5 thôn (Lạc Tân 1, Lạc Tân 2, Lạc Tân 3, Thương Diêm 1, Thương Diêm 2) chuyên làm nghề khai thác và chế biến hải sản. Cấp ủy, chính quyền lãnh đạo ngư dân tận dụng triệt để lợi thế của xã ven biển để phát triển kinh tế nên cuộc sống của bà con ngày càng ổn định, tỷ lệ hộ nghèo thấp ở mức 3,5%. Tuy vậy, tình hình khai thác hải sản gần đây gặp khó khăn do ngư trường gần bờ ngày càng cạn kiệt. Trước thực tế trên, địa phương xác định chú trọng vận động ngư dân cải hoán tàu thuyền, tham gia vào các tổ đoàn kết vươn ra khai thác xa bờ.

Nhờ làm tốt công tác dân vận, nhiều ngư dân xã Phước Diêm đóng mới tàu
công suất lớn tham gia vào các Tổ đoàn kết khai thác hải sản, vươn ra đánh bắt xa bờ.

Đồng chí Lê Văn Trước, Chủ tịch UBMTTQVN xã, cho biết: “Vào Tổ đoàn kết khai thác hải sản ngư dân được chia sẽ ngư trường, hưởng lợi các chính sách ưu đãi của Nhà nước, nhưng không phải chủ tàu nào cũng nhận thức được điều đó, chính vì vậy địa phương coi trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động”. Để hoạt động tuyên truyền sâu rộng đến từng hộ dân, mỗi thôn đều thành lập các tổ “Dân vận khéo”, trong đó đề cao vai trò gương mẫu đi đầu của đồng chí Bí thư Chi bộ kiêm trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn. UBMTTQVN xã cũng đã phân công cán bộ phụ trách từng địa bàn thôn để theo dõi, nhắc nhở các tổ nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc.

Chính tuyên truyền theo hình thức “mưa dầm thấm lâu” nên đã làm thay đổi nhận thức của ngư dân, ngày càng có khuynh hướng liên kết với nhau trong làm ăn. Từ 2 Tổ đoàn kết khai thác hải sản thành lập thí điểm ban đầu vào năm 2008, đến nay tăng lên 24 tổ, với tổng số tàu 105 chiếc, chuyên đánh bắt ở ngoài khơi xa, giải quyết công ăn việc làm ổn định cho trên 1.200 lao động. Đồng chí Lê Văn Trước, chia sẻ: “Trong vận động, chúng tôi thực hiện phương châm “nói đi đôi với làm”. Chủ tàu nào tự nguyện vào Tổ đoàn kết khai thác hải sản được ưu tiên bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ đi biển, hỗ trợ trang bị phương tiện hành nghề. Ngoài các tổ được cấp miễn phí máy tiếp thu vệ tinh thời tiết từ Chương trình hỗ trợ ngư dân khai thác xa bờ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước đây, năm 2012, chủ tàu cá Đinh Văn Hát, tổ trưởng tổ số 10 được hỗ trợ 50% kinh phí lắp đặt 1 máy dò ngang trị giá 350 triệu đồng.

Từ đẩy mạnh vận động ngư dân tham gia vào các Tổ đoàn kết khai thác hải sản, nên hoạt động đánh bắt ở địa phương ngày càng phát triển. Năm 2012, ngư dân mạnh dạn cải hoán nâng công suất 37 chiếc tàu, đóng mới 10 chiếc công suất lớn từ 90 CV trở lên, đủ điều kiện ra khơi xa đánh bắt, nâng tổng số tàu lên 495 chiếc, tổng công suất 87.059 CV. Sản lượng đánh bắt trong năm đạt 26.700 tấn, tăng 200 tấn so với cùng kỳ. Riêng những ngày đầu năm 2013 (từ ngày 18-2 đến 23-2) ngư dân khai thác được 5.000 tấn hải sản các loại.

Làm ăn ngày càng khấm khá, ý thức chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước càng cao. Trong năm 2012 ngư dân đóng góp hàng chục triệu đồng tu bổ các công trình văn hóa, sửa sang đường sá, hỗ trợ hộ nghèo… góp phần vào xây dựng nông thôn mới.

Đồng chí Lê Văn Trước cho biết thêm: Năm 2013 các tổ “Dân vận khéo” đẩy mạnh tuyên truyền ngư dân tham gia Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, đảm bảo an toàn giao thông, giữ vững an ninh chính trị ở cơ sở. Tiếp tục vận động ngư dân tự nguyện tham gia vào các Tổ đoàn kết khai thác hải sản (dự kiến trong năm thành lập thêm 10 tổ), xây dựng đội tàu đủ mạnh vươn ra khơi xa đánh bắt hải sản, kết hợp làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.