Để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tháng 9-2011, khi UBND huyện Thuận Bắc triển khai Đề án “Phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả trên đất dốc, triền núi giai đoạn 2011-2015”, cấp ủy, chính quyền xã Phước Chiến đã vận động bà con triển khai thực hiện mô hình có hiệu quả.
Cây thơm trồng xen với cây chuối tại mô hình canh tác trên đất dốc của hộ anh Chamaléa Xưa.
Hộ anh Chamaléa Xưa, ở thôn ở thôn Tập Lá thực hiện mô hình trên diện tích 1,5 ha, cho biết: Khu rẫy xanh tốt của anh hiện nay nguyên là vùng đất khô cằn, trồng bắp mỗi năm thu được mươi gùi. Qua hướng dẫn kỹ thuật canh tác trên đất dốc của cán bộ chuyên môn, anh chia khu đất thành 3 phần. Phía trên cùng trồng cây rừng chống xói mòn; chính giữa trồng xen kẽ các loại cây ăn trái: chuối, mít nghệ, thơm; phía dưới trồng mía, bắp, đậu xanh. Biện pháp luân canh, xen canh, gối vụ, đa dạng hóa cây trồng, lấy thân và lá cây ngắn ngày phủ gốc cây ăn trái có tác dụng giữ được độ ẩm, cùng với thời gian lá cây phân hủy tạo thêm độ mùn cho đất. Chính vì vậy, mặc dù thiếu nước nhưng các loại cây trồng vẫn phát triển bình thường. Vừa thu hoạch xong vụ mía năm 2012-2013 vào cuối tháng 1 vừa qua, năng suất đạt 5 tạ/sào, tính ra mỗi sào lãi gần 1,5 triệu đồng, cao gấp đôi so với trước khi chưa thực hiện mô hình. Riêng cây mít nghệ và dứa bắt đầu ra trái, khoảng giữa năm nay là thu hoạch được. Nếu thu hoạch hết toàn bộ các loại cây trồng, mỗi năm 1 ha đất dốc cho thu nhập khoảng 25 triệu đồng.
Từ hiệu quả bước đầu, cuối năm 2012, anh Xưa mạnh dạn sản xuất thêm 1,5 ha, nâng diện tích mô hình lên 3 ha. Phần diện tích mới mở anh Xưa vẫn thực hiện theo quy trình kỹ thuật đã được hướng dẫn, điểm mới là trồng xen kẽ cây đậu phộng, đậu xanh, bắp và dứa với mật độ dày hơn. Việc tăng cường trồng cây họ đậu có tác dụng cải tạo được đất tốt, vừa có phụ phẩm phục vụ chăn nuôi. Theo anh Xưa, mô hình canh tác trên đất dốc không phải đầu tư nhiều, vì phần lớn cây giống đã được Nhà nước hỗ trợ. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả thì phải sản xuất trên quy mô rộng, đầu tư công chăm sóc thường xuyên.
Đồng chí Nguyễn Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Chiến, nhìn nhận: Mô hình canh tác trên đất dốc đơn giản, dễ làm và phù hợp với điều kiện tự nhiên, trình độ của bà con vùng cao. Việc canh tác hiệu quả trên đất dốc đang góp phần mở ra hướng đi mới trong nông nghiệp. Khi năng suất, sản lượng cây trồng trên cùng một diện tích sản xuất được nâng lên, thu nhập của người dân vùng cao được cải thiện sẽ giảm được tình trạng đốt rừng làm rẫy, góp phần phủ xanh đồi trọc. Chủ trương của địa phương là tiếp tục vận động bà con thực hiện mô hình trên diện rộng, triển khai đều khắp ở địa bàn các thôn. Trước mắt, từ nay đến năm 2015 sẽ canh tác ở những triền đất dọc theo hai bên bờ sông Trâu, sau đó phát triển lên vùng đất đồi dốc.
Nhờ làm tốt công tác vận động, tổ chức cho các hộ dân tham quan trực tiếp mô hình tại hộ anh Chamléa Xưa, nên từ chỗ chỉ có 3 hộ làm thí điểm trên 3 ha, đến nay sau một năm rưỡi đã có 270 hộ ở 5 thôn trên địa bàn toàn xã thực hiện mô hình với tổng diện tích 54 ha.
Anh Tùng