Giải pháp đẩy lùi hộ nghèo trong tỉnh

(NTO) Qua 2 năm thực hiện Đề án “Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Ninh Thuận đến năm 2015” trong điều kiện tỉnh ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như lạm phát, suy giảm kinh tế toàn cầu, thời tiết thay đổi khắc nghiệt,… nhưng các cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể đã nỗ lực, phấn đấu thực hiện tốt công tác giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2011, 2012 đều giảm 2% mỗi năm, đạt mục tiêu đề ra.

Theo kết quả vừa được UBND tỉnh công bố, đến cuối năm 2012, toàn tỉnh còn 16.523 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ gần 12% trên tổng số hộ dân; 12.790 hộ cận nghèo, chiếm 8,66% tổng số hộ dân. Qua phân tích, tỷ lệ hộ nghèo do thiếu vốn sản xuất chiếm 53,25%; đông người ăn theo chiếm 15%; thiếu việc làm chiếm 7%; thiếu đất sản xuất chiếm 34%; thiếu kinh nghiệm làm ăn chiếm 16%, thiếu lao động chiếm 14,5%... Ngoài ra, việc thực hiện đề án giảm nghèo của tỉnh vẫn còn một số hạn chế, như đa số người dân ở miền núi, vùng sâu, vùng xa đời sống còn nhiều khó khăn; cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm; tỷ trọng nông nghiệp vẫn còn lớn; việc chuyển dịch cơ cấu lao động chưa gắn chặt với chuyển dịch kinh tế; tỷ lệ hộ nghèo và nguy cơ tái nghèo còn cao; một số chính sách, dự án hỗ trợ người nghèo, vùng nghèo đạt hiệu quả thấp; chậm đúc kết nhân rộng những mô hình tiên tiến, chưa gắn kết chặt chẽ chính sách giảm nghèo-an sinh xã hội với chính sách phát triển nông thôn mới. Nguồn vốn lồng ghép thực hiện chương trình vẫn còn khó khăn chưa đáp ứng nhu cầu của cơ sở.

 
Lãnh đạo Báo Ninh Thuận và Công ty Prudence bàn giao nhà tình thương cho gia đình ông Vương Văn Hải.
Ảnh Văn Miên

Theo Đề án nói trên, tỉnh ta đề ra mục tiêu bình quân mỗi năm giảm 2% tỷ lệ hộ nghèo, riêng huyện nghèo Bác Ái giảm ít nhất 4%/năm, đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 11,52% (năm 2012) xuống còn 5% (vào cuối năm 2015). Đồng chí Trần Anh Việt, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết: Để đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 2013-2015, cần tiếp tục quán triệt và thống nhất quan điểm chỉ đạo là kết hợp chặt chẽ tăng trưởng kinh tế với thực hiện xóa đói, giảm nghèo (XĐGN) và an sinh xã hội; lồng ghép thật hiệu quả các chương trình, dự án và các hoạt động kinh tế với thực hiện mục tiêu XĐGN. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác XĐGN, coi đây là trách nhiệm của toàn xã hội, Nhà nước và người dân đều phải chia sẻ trách nhiệm để thực hiện, cái gì dân làm được thì tạo điều kiện để dân làm. Dự kiến trong 3 năm tới, tỉnh ta sẽ đầu tư 4.784,45 tỷ đồng cho công tác XĐGN.

Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án phát triển KT-XH như: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; đưa giống mới, ứng dụng khoa học-kỹ thuật, mở nhiều ngành nghề trong khu vực nông nghiệp, nông thôn để tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập trên đơn vị canh tác và trên đồng vốn. Khai thác và phát huy các lợi thế so sánh để phát triển các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch tạo thêm công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động nói chung và người nghèo nói riêng, từ đó, khơi dậy tiềm lực kinh tế và tạo sức mạnh vật chất để thực hiện công cuộc XĐGN. Rà soát và hoàn thiện thêm một bước hệ thống chính sách về XĐGN và cơ chế thực hiện thuộc thẩm quyền phân cấp của tỉnh cho phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới. Tăng cường nguồn lực đầu tư gắn với nâng cao chất lượng thực hiện các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo, trong đó ưu tiên chính sách đầu tư hỗ trợ điều kiện cho hộ nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập, đặc biệt là đối với các hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao. Nâng cao chất lượng các dịch vụ xã hội và thực hiện đầy đủ chính sách hỗ trợ để người nghèo được tiếp cận và thụ hưởng, bao gồm: hỗ trợ giáo dục và đào tạo, miễn giảm học phí, trợ cấp cho con em hộ nghèo; hỗ trợ khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo và các đối tượng theo quy định thông qua hình thức cấp thẻ bảo hiểm y tế; nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác XĐGN và hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo. Đổi mới nội dung, biện pháp để tuyên truyền, giáo dục phù hợp với trình độ hiểu biết của nhân dân ở từng vùng, từng địa phương và từng dân tộc…