Bác sĩ Nguyễn Văn Thanh: Hơn 20 năm gắn bó với vùng cao Phước Chiến

(NTO) Năm 1980, sau khi tốt nghiệp lớp y tá do tỉnh Thuận Hải (cũ) đào tạo, y tá trẻ Nguyễn Văn Thanh về nhận công tác tại Trung tâm phòng, chống sốt rét Thuận Hải. Trong thời gian công tác, vừa làm, vừa học nâng cao trình độ chuyên môn, đến năm 1989, anh lên Phước Chiến và nhận nhiệm vụ mới- Trạm trưởng Trạm y tế xã.

Bác sĩ Thanh nhớ lại: “Trước khi về Phước Chiến, tôi phụ trách chương trình sốt rét của trạm y tế xã Công Hải. Đến năm 1985 đi học chuyên tu y sĩ, sau đó chuyển về Trạm y tế xã Xuân Hải. Vào những năm này, sốt rét lưu hành dữ dội trên các địa bàn miền núi, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế còn khó khăn. Nên 2 năm sau đó, tôi lại được tăng cường về Phước Chiến chống sốt rét. Cơ duyên với đồng bào ở đây thế nào không biết, tôi không thuyên chuyển nơi nào nữa mà gắn bó với trạm cũng hơn 20 năm rồi”.

Hơn 20 năm, Bác sĩ Nguyễn Văn Thanh-Trạm trưởng Trạm y tế xã Phước Chiến
gắn bó với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân miền núi.

Lúc bấy giờ, Phước Chiến cũng như bao xã miền núi còn lắm khó khăn, nhưng ngay từ đầu, anh Thanh đã xác định gắn bó lâu dài với đồng bào nơi đây. Chính vì vậy, sau khi hoàn thành lớp chuyên tu bác sĩ tại Đại học Y Huế, anh lại về trạm tiếp tục công việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân Phước Chiến. Hàng ngày, anh và các cán bộ y tế của trạm tích cực tuyên truyền bà con thay đổi nhận thức từ những điều đơn giản nhất là phải uống nước đun sôi, rửa tay sạch trước khi ăn, ngủ phải nằm màn đến việc tiêm chủng trẻ em, tuyên truyền các biện pháp kế hoạch hoá gia đình, cách giữ gìn vệ sinh cá nhân, phòng dịch bệnh thông thường cho đến chuyện đỡ đẻ… Chính những nỗ lực và việc làm cụ thể của những cán bộ y tế đã dần làm thay đổi những hủ tục của người dân trong việc chăm sóc sức khỏe.

Ở Bác sĩ Thanh, chúng tôi nhận thấy một điểm nổi bật đó chính là sự tâm huyết về nghề, không chỉ bằng việc không ngừng học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn mà còn luôn động viên, khuyến khích tạo môi trường thuận lợi cho lớp cán bộ trẻ có cơ hội học tập và cống hiến. Nhiều nhân viên của trạm y tế xã bây giờ từng là học trò của anh. Chị Chamaléa Thị Nuyênh cho biết: “Khi có bệnh, tôi đến Trạm y tế xã. Ở đó, tôi được bác sĩ Thanh khám bệnh, kê đơn lấy thuốc điều trị và được hướng dẫn chu đáo lắm. Cái gì không biết tôi hỏi, thấy con cái trong người lạ lạ, tôi dẫn đến bác sĩ Thanh khám bệnh, các thầy thuốc khác ở trạm xá ai cũng tận tình như bác sĩ Thanh vậy”.

Bằng những đóng góp tích cực của bác sĩ Thanh và các đồng nghiệp, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng tại xã Phước Chiến giảm dần, từ 30,7% (năm 2005), đến nay còn hơn 24%. Mỗi tháng có hơn 300 lượt người đến trạm để khám bệnh; 100% sản phụ sinh có sự hỗ trợ của nhân viên y tế.

Với thành tích của mình, bác sĩ Nguyễn Văn Thanh vinh dự được trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc” và được Bộ Y tế tặng Bằng khen vì có nhiều đóng góp cho sự nghiệp y tế miền núi.