Để bảo đảm vị trí pháp lý của Luật gốc, Luật cơ bản của Nhà nước CHXHCNViệt Nam trong thời kỳ mới; đề nghị nghiên cứu, bổ sung những nội dung chế định pháp lý cần thiết phải có trong sửa đổi Hiến pháp năm 1992, cụ thể như sau:
1. Về sự lãnh đạo của Đảng: Sự lãnh đạo của Đảng đã được ghi nhận trong các Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001); cụm từ “Hiến pháp này tiếp tục khẳng định ý chí của nhân dân và chủ quyền quốc gia; phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc…” được đưa vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cuộc Cách mạng Việt Nam, đưa đất nước ta từ thắng lợi này đến thắng lợi khác và hiện nay chúng ta đang xây dựng một Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam được nhân dân, toàn dân tộc Việt Nam ghi nhận; mặc dù các thế lực thù địch và những người “không ưa” luôn tìm mọi cách chống phá, không chịu thừa nhận (thậm chí có kẻ còn đòi xóa bỏ việc ghi nhận sự lãnh đạo của Đảng thể hiện trong Hiến pháp). Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 dùng cụm từ “Hiến pháp này tiếp tục khẳng định…” tại lời nói đầu nhưng nội hàm của chế định này trong dự thảo chưa ghi nhận (hay nói cách khác là chưa khẳng định) sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Biết rằng, tại Điều 4 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp có ghi nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam nhưng sự “tiếp tục khẳng định” không phải đơn thuần chỉ là sự ghi nhận có tính chất kế thừa …
Để thể hiện rõ nét và khẳng định tính pháp lý trong chế định của Hiến pháp về sự lãnh đạo của Đảng phù hợp với thời kỳ mới, ngang tầm với thời đại; lời nói đầu của Hiến pháp sửa đổi cần thiết phải bổ sung như sau “Dưới ánh sáng của Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện chủ quyền nhân dân, Hiến pháp này tiếp tục khẳng định ý chí của nhân dân, chủ quyền quốc gia, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với vận mệnh của đất nước; phát huy dân chủ …”. Chế định này làm rõ sự khẳng định vai trò, vị trí lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam và xứng tầm thời đại. Đồng thời chế định này chính là “tuyên ngôn” trong Hiến pháp sửa đổi.
2. Về Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Từ trước đến nay, trong các bản Hiến pháp đều xác định: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” … Tuy nhiên, các bản Hiến pháp trước đây đều quy định nội dung này trong chương về Quốc hội. Việc quy định như thế là đúng nhưng chưa ngang tầm với vai trò, vị trí của Quốc hội trong hệ thống chính trị của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Nghiên cứu địa vị pháp lý của Quốc hội trong các bản Hiến pháp trước đây, việc xác định địa vị “cơ quan đại biểu cao nhất” … “cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất” lại sắp xếp trong chương quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội. Cách sắp xếp này đã làm giảm vị trí pháp lý chính trị của Quốc hội (mọi người đều biết, trong Nhà nước pháp quyền thì Quốc hội có địa vị pháp lý chính trị rất quan trọng).
Từ nhận thức như trên, xin đề nghị chuyển Điều 74, Chương V Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 lên liền kề Điều 2 (có thể sắp xếp thành Điều 3 để làm rõ và khẳng định địa vị pháp lý của Quốc hội ngang tầm với thời đại hiện nay); những điều, khoản khác ở Chương V bắt đầu theo Điều 75 (quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội).
3. Về nội dung “tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân” (thể hiện ở Điều 2 Hiến pháp sửa đổi năm 1992): Việc thể hiện quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân trong thực tế vẫn còn nhiều điểm bất cập và chưa thực quyền. Để khẳng định vai trò làm chủ về mọi mặt của nhân dân, lời nói đầu của Hiến pháp đã khẳng định nội dung thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Qua nghiên cứu, để bảo đảm thực quyền làm chủ của nhân dân được ghi nhận trong Hiến pháp, xin được đề nghị sửa đổi cụ thể nội dung sau đây trong lời nói đầu: “Hiến pháp này tiếp tục khẳng định ý chí của nhân dân, chủ quyền quốc gia, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với vận mệnh của đất nước; phát huy quyền giám sát tối cao của nhân dân” (thay cho cụm từ “phát huy dân chủ”). Sự khẳng định này ở lời nói đầu của Hiến pháp là nền tảng để xây dựng văn bản pháp luật về quyền giám sát tối cao của nhân dân (nội dung này chưa được đề cập đến trong các bản Hiến pháp trước đây và chưa có luật về quyền giám sát của nhân dân hay nói cách khác là chưa đem lại “thực quyền” cho nhân dân).
4. Về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Cụm từ “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân” (tại khoản 2, Điều 9 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992) là sự kế thừa của những bản Hiến pháp trước đây. Tuy là cụm từ nhưng nội hàm lại mang những chế định pháp lý rất quan trọng trong Hiến pháp. Thực tế Cách mạng Việt Nam và qua nghiên cứu, xin được đề nghị thay đổi cụm từ “là cơ sở” thành “là nền tảng”; viết lại khoản 2, Điều 9 như sau: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là nền tảng chính trị của chính quyền nhân dân”. Chế định pháp lý này mới làm rõ và đúng bản chất pháp lý về chính trị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
5. Trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 còn không ít những từ ngữ liên quan đến chế định pháp lý cần được nghiên cứu sâu kỹ hơn; những đề nghị trên đây có nội dung cơ bản khẳng định về quyền làm chủ của nhân dân, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 28-12-2012 của Bộ Chính trị; Quyết định số 01/QĐ-HĐND ngày 25-01-2013 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tin rằng sẽ có nhiều góp ý thiết thực hơn để bảo đảm xây dựng Hiến pháp xứng tầm với thời đại.
Phạm Văn A
Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Ninh Thuận