Góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: Về quyền của phụ nữ và trẻ em

(NTO) Sửa đổi Hiến pháp là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước. Nhân dân tham gia góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện quyền làm chủ và ý thức trách nhiệm của nhân dân nhằm bảo đảm các quy định hợp lý, đáp ứng mong mỏi của người dân và sát thực tế. Đối với gia đình và trẻ em, đây cũng là cơ hội để phát huy quyền làm chủ, vai trò, trách nhiệm của các thành viên của gia đình; là điều kiện để nhân dân thể hiện rõ ý chí, nguyện vọng của mình.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có 10 quy định về trách nhiệm của Nhà nước đối với những quy định liên quan trực tiếp đến công dân (trong đó có phụ nữ và trẻ em) gồm:

-Thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân (Khoản 1 Điều 15),

-Bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài (Khoản 3 Điều 18),

-Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Nơi thờ tự của tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ (Khoản 2 Điều 25),

-Có chính sách bảo đảm quyền bình đẳng giữa công dân nữ và nam trên mọi lĩnh vực. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ và trẻ em phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội (Khoản 2 Điều 27),

-Tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân (Khoản 2 Điều 29),

-Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo (Khoản 2 Điều 31),

-Bảo hộ quyền tự do kinh doanh (Khoản 2 Điều 34),

-Có chính sách tạo điều kiện để công dân có nơi ở (Khoản 2 Điều 36),

-Bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em (Khoản 2 Điều 39),

-Quyền sở hữu trí tuệ được Nhà nước bảo hộ (Khoản 2 Điều 43).

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng có 10 quy định cấm đối với những quy định liên quan trực tiếp đến phụ nữ và trẻ em gồm:

-Không được lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác (Khoản 2 Điều 16),

-Nghiêm cấm mọi hành vi tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử khác xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của con người (Khoản 2 Điều 22),

-Không được phép thu thập, lưu giữ, sử dụng và phổ biến thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của người khác nếu không được người đó đồng ý (Khoản 1 Điều 23),

-Không được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật (Khoản 3 Điều 25),

-Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử về giới (Khoản 3 Điều 27),

-Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác (Khoản 3 Điều 31),

-Không được tự ý vào chỗ ở hợp pháp của người khác nếu không được người đó đồng ý (Khoản 2 Điều 37),

-Nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng người lao động chưa thành niên trái pháp luật (Khoản 2 Điều 38),

-Nghiêm cấm hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em (Khoản 2 Điều 40),

-Nghiêm cấm các hành vi đe dọa đến cuộc sống và sức khỏe của người khác và cộng đồng (Khoản 2 Điều 41).

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có 9 điều liên quan đến phụ nữ, trẻ em, gia đình và bình đẳng giới gồm: Điều 15, 17, 27, 38, 39, 40, Khoản 2 Điều 62, Khoản 1 Điều 6, Khoản 3 Điều 66.

Tôi mong muốn Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 thể hiện rõ nguyên tắc bình đẳng giới có tính đến đặc thù giới tính, vai trò và thiên chức làm mẹ của phụ nữ và mối liên hệ đặc biệt giữa phụ nữ với trẻ em, nhất là trẻ em gái sẽ là phụ nữ trong tương lai. Đồng thời mong muốn Dự thảo sửa đổi Hiến pháp tiếp tục khẳng định vai trò, trách nhiệm của nhà nước, xã hội, nhà trường và gia đình đối với gia đình, phụ nữ và trẻ em theo hướng cụ thể, rõ ràng hơn để tránh nhận thức thiên lệch, hiểu không đúng về bình đẳng giới, lúng túng trong việc thể hiện các quy định ưu tiên, bảo vệ, bảo đảm cơ hội, hỗ trợ điều kiện… cho phụ nữ và trẻ em trong các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành và trong thực tế.

Về Điều 42 (sửa đổi, bổ sung điều 59): Đề nghị giữ nguyên nội dung điều 59 của Hiến pháp hiện hành (bản 1992, sửa đổi, bổ sung năm 2001). Vì Điều 42 trong bản dự thảo chỉ quy định “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập”, bỏ nhiều quy định có trong điều 59 của bản Hiến pháp hiện hành, đặc biệt là quy định “Bậc tiểu học là bắt buộc, không phải trả học phí”, giáo dục tiểu học là bắt buộc và phải được miễn phí bởi đây là giai đoạn giáo dục mang tính nền tảng, phổ cập ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Trên thực tế, nhiều quốc gia cũng đã miễn học phí ở bậc giáo dục này và Việt Nam chúng ta đã cam kết khi tham gia Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em - 1989 (tại Điều 28);

Do đó nên sửa lại Điều 42 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 như sau:

1. Mọi người có quyền và nghĩa vụ học tập, học văn hóa và học nghề bằng nhiều hình thức.

2. Giáo dục tiểu học là bắt buộc, sẵn có và miễn phí cho tất cả mọi người.

3. Nhà nước và xã hội cần tạo điều kiện để học sinh có năng khiếu được học tập để phát triển tài năng.

4. Nhà nước và xã hội cần tạo điều kiện cho trẻ em khuyết tật và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được học văn hóa và học nghề phù hợp.