Phó Cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Đàm Xuân Thành cho biết liên cầu lợn tồn tại tự nhiên khó phát hiện, kể cả những con lợn mang trùng liên cầu khuẩn cũng không có biểu hiện mắc bệnh nên không thể phát hiện.
Điều nguy hiểm là chỉ có thể phát hiện được lợn nhiễm liên cầu khuẩn thông qua việc xét nghiệm, song đến nay vẫn chưa có vắcxin để phòng bệnh liên cầu khuẩn trên lợn, vì thế người dân phải tự bảo vệ bằng cách không ăn tiết canh, không ăn sống mà thực phẩm phải được nấu chín.
Theo khuyến cáo của ngành y tế, liên cầu lợn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể lây từ lợn sang người và không được chạy chữa kịp thời sẽ dẫn tới triệu chứng viêm não, xuất huyết, viêm phổi, viêm cơ tim, viêm khớp và tử vong. Con đường lây truyền từ lợn sang người có thể qua vết thương ở da, đường hô hấp, tiếp xúc với máu hoặc các dịch tiết ở lợn hoặc qua đường ăn uống.
Bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn thường bị nhiễm độc và nhiễm trùng huyết rất nhanh. Chỉ sau nửa ngày hoặc một vài ngày tiếp xúc với nguồn lây, bệnh nhân đã có những tiến triển bệnh như sốt rất cao, nôn mửa, đau bụng, sau đó chuyển sang xuất huyết ban trên da, mặt và lan dần ra cơ thể, tắc mạch máu gây hoại tử các chi, mê sảng vật vã, tiểu ít, suy thận. Từ lúc phát bệnh đến diễn biến nặng có thể chỉ trong 6 - 12 giờ. Đây cũng là một khó khăn cho việc điều trị. Trong vòng 6 giờ xảy ra sốc nhiễm khuẩn, nếu bệnh nhân không được chẩn đoán, cấp cứu kịp thời, đưa ra khỏi tình trạng sốc thì sẽ khó cứu chữa, do các tổn hại tế bào, suy tạng.
Độc lực của chủng liên cầu lợn lưu hành ở Việt Nam là khá cao. Vì thế, tỉ lệ bệnh nhân nặng, bị sốc nhiễm khuẩn lên tới 10 - 15%. Thời gian điều trị trung bình của những bệnh nhân nhiễm khuẩn liên cầu lợn thường kéo dài 25 - 30 ngày. Trong 16 ca ghi nhận gần đây, có 4 ca bệnh nặng và 2 trường hợp quá nặng đã tử vong.
Nguồn VnMedia.vn