“Đại đoàn kết”, “Đại thành công” trong thơ chúc Tết của Bác Hồ

Đoàn kết vốn là truyền thống quý báu trong lịch sử giữ nước của nhân dân ta. Ngay trong tác phẩm “Đường cách mệnh” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc được “Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức” xuất bản mùa xuân năm Đinh Mão 1927 tại Quảng Châu, Người đã khẳng định:

“Đoàn kết là nhân tố đảm bảo thắng lợi của cách mạng. Đoàn kết công nông Việt Nam với công nhân Pháp cùng làm cách mạng thì mau thành công”.

 
“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công".

Từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, khẩu hiệu 14 chữ “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công” đầy ý nghĩa chiến lược đã được các thế hệ của 54 dân tộc anh em thuộc lòng và làm theo.

Có một chuyện thật ngoài đời, bây giờ được nghe, nhiều người coi như huyền thoại của lịch sử: Sau Tết Đinh Hợi năm 1947, cuộc kháng chiến chống Pháp diễn ra trong phạm vi cả nước, các cơ quan Trung ương đã chuyển lên A.T.K Việt Bắc làm việc ở lán trong rừng, cán bộ, bộ đội sống xen với bà con dân tộc, ngôn ngữ bất đồng, phong tục tập quán chẳng giống nhau, đôi khi phát sinh một số va chạm nhỏ.

Để giáo dục cán bộ, bộ đội, công nhân và cả bà con từ tứ phương tản cư đến, trong vườn rau của Bác, Người đã trồng một giàn bầu, bí cùng “leo chung một giàn”, dây nào cũng đơm hoa, kết trái, ai đi qua cũng thích mắt, dừng chân ngắm nhìn. Một cán bộ nông vận thấy lạ, mạnh dạn hỏi Bác tại sao Bác không trồng mỗi loại cây ở một giàn khác nhau? Bác mỉm cười nói: “Chú có nhớ câu ca dao: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” không? Bác trồng như thế để mọi người phải nhớ “đoàn kết” với nhau mà làm việc, ai cũng phải đoàn kết dân tộc, đoàn kết ngược xuôi, đoàn kết công nông, quân dân đoàn kết tạo nên sức mạnh vô địch để vừa kháng chiến, vừa kiến quốc thành công”.

Không lâu sau đó, lời dạy bất hủ của Hồ Chủ tịch qua giàn bầu bí chung sống một giàn lan truyền khắp nơi, mọi người thấm thía, thi đua làm theo lời dạy của Bác Hồ.

Vấn đề “đoàn kết” không chỉ được Bác nêu ra trong các hội nghị, trên các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Chính phủ mà trong nhiều bài thơ chúc mừng tân xuân, Bác cũng đề cập vấn đề có ý nghĩa sống còn này.

Bài thơ chúc Tết Nhâm Ngọ 1942 ở căn cứ địa Cao Bằng, Người viết: “… Chúc phe xâm lược sẽ diệt vong/Chúc phe dân chủ sẽ thắng lợi/ Chúc đồng bào ta “đoàn kết” mau/Chúc Việt Minh ta càng tiến tới/Chúc toàn quân ta trong năm này/Cờ đỏ ngôi sao bay phấp phới/Năm này là năm ăn Tết vẻ vang/Cách mệnh thành công khắp thế giới”.

Mừng Xuân Mậu Tý 1948, sau chiến thắng Việt Bắc ít lâu, Bác viết:

“Gửi lời chúc đồng bào.

Kháng chiến được thắng lợi.

Toàn dân “Đại đoàn kết”, cả nước dốc một lòng.

Thống nhất chắc chắn được.

Độc lập quyết thành công”.

Năm năm sau, chiến dịch giải phóng Tây Bắc kết thúc thắng lợi, chuẩn bị giảm tô và cải cách ruộng đất, Bác viết trong thơ mừng Xuân Quý Tỵ 1953: “Mừng năm Thìn vừa qua/Mừng năm Tỵ vừa tới/Mừng phát động nông dân/Mừng hậu phương phấn khởi/Mừng tiền tuyến toàn quân/Thi đua chiến thắng mới/Mừng toàn dân “Kết đoàn”/Mừng kháng chiến thắng lợi…”.

Năm Giáp Ngọ 1954, ta mở chiến dịch Điện Biên, giai cấp địa chủ bước đầu bị đánh đổ, Bác chúc quân dân cả nước một bài dài:

“Năm mới, quân dân ta có hai nhiệm vụ rành rành

Đẩy mạnh kháng chiến để giành độc lập tự do,

Cải cách ruộng đất là công việc rất to,

Dần dần làm cho người cày có ruộng khỏi lo nghèo nàn,

Quân và dân ta nhất trí “Kết đoàn”

Kháng chiến kiến quốc nhất định hoàn toàn thành công…”.

Đón Xuân Bính Thân 1956, Bác đã chúc: “Toàn dân “Đoàn kết” một lòng/Miền Bắc thi đua xây dựng/Miền Nam giữ vững thành đồng…”.

Năm Kỷ Hợi 1959, miền Bắc đang sôi nổi thực hiện công cuộc khôi phục, phát triển kinh tế sau chiến tranh, thơ chúc Tết năm ấy ngắn gọn 4 câu, 24 chữ, Bác đã viết: “Chúc mừng đồng bào năm mới/“Đoàn kết” thi đua tiến tới/Hoàn thành kế hoạch ba năm/Thống nhất nước nhà thắng lợi”.

Năm Canh Tý 1960, năm nhà nước 15 xuân xanh, Đảng 30 tuổi trẻ, cả nước tràn ngập niềm vui mừng xuân và đón nghe, đọc thơ chúc Tết của Người:

“Mừng nhà nước ta 15 xuân xanh,

Mừng Đảng chúng ta 30 tuổi trẻ,

Chúc đồng bào ta “Đoàn kết” thi đua,

Xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa,

Chúc đồng bào ta bền bỉ đấu tranh,

Thành đồng miền Nam vững bền mạnh mẽ,

Cả nước một lòng hăng hái tiến lên,

Thống nhất nước nhà Bắc Nam vui vẻ”.

Qua năm Tân Sửu 1961, cả nước triển khai thực hiện kế hoạch 5 năm đầu tiên theo tinh thần Nghị quyết Đại hội III của Đảng họp lần đầu tiên ở thủ đô Hà Nội, Bác chúc: “Miền Bắc hăng hái thi đua/Chúc miền Nam “Đoàn kết” tiến tới/Chúc hòa bình thống nhất thành công/Chúc chủ nghĩa xã hội thắng lợi”.

Sang năm Bính Ngọ 1966, quân viễn chinh Mỹ đã rải khắp miền Nam, cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân ngày càng ác liệt, trong thơ chúc Tết năm ấy Bác đã viết:

“… Mừng miền Nam rực rỡ chiến công. Mừng miền Bắc chiến đấu anh hùng/Giặc Mỹ leo thang ngày càng thua nặng/Đồng bào cả nước “Đoàn kết” một lòng/Tiền tuyến, hậu phương toàn dân cố gắng.

Thi đua sản xuất chiến đấu xung phong/Chống Mỹ, cứu nước ta nhất định thắng”.

Thơ chúc Tết các năm khác, tuy Người không nói “Đoàn kết, kết đoàn”, nhưng Người đã nêu những thực tế của lịch sử cách mạng chỉ có kết đoàn, đoàn kết mới có được, như thơ chúc Tết Mậu Thân 1968: “Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta”. Bác khẳng định như thế là có cơ sở, và thực tế đã chứng minh rằng nhờ “Đoàn kết” mà chúng ta đã phát huy được sức mạnh toàn dân chiến đấu.

Đoàn kết là truyền thống vĩnh cửu trong hàng nghìn năm giữ nước của dân tộc ta, giúp dân tộc Việt Nam không bị đồng hóa, thôn tính sau một thiên niên kỷ “Bắc thuộc”. Trong thời đại Hồ Chí Minh, cũng chính nhờ chiến lược đoàn kết kháng chiến của Đảng, Bác Hồ đề ra mà chúng ta đã đánh thắng hai đế quốc là Pháp và Mỹ.

Nguồn www.baotintuc.vn