“Mùa xuân là Tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày, càng xuân.”
Tết trồng cây do Bác khởi xướng đã khơi dậy, nối dài tục lệ trồng cây của nhiều dân tộc. Dân tộc Dao có tục lệ, mỗi trẻ em ra đời được gia đình trồng cho một cây quế. Nhiều địa phương mỗi khi có thanh niên tòng quân lại được dân làng trồng cho một cây để kỷ niệm, dần trở thành “rừng cây bộ đội”. Trong mỗi mái trường đều xây dựng “vườn cây ơn Bác” gồm nhiều loại cây cho các em học sinh học tập. Ngay từ khi còn Bộ Lâm nghiệp, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có lực lượng xung kích trong phong trào trồng cây như Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Giáo dục và đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng để duy trì và phát triển sự nghiệp trồng cây gây rừng ở nước ta.
Từ năm 1966, nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc đã ca ngợi lực lượng trồng cây với bài “Bô lão chúng ta còn dẻo dai”. Bài ca có đoạn “Bô lão chúng ta hăng hái. Sức ta còn dẻo dai… Ta làm gì đây? Theo lời Bác dạy ươm cây, trồng cây…”. Nhà thơ Lưu Trùng Dương trong “bài thơ tình của anh lâm nghiệp” cũng đã khẳng định:
“Rừng cũng như em, đối với anh, chính là sự sống
Phải chẳng em, cây cũng có tâm hồn?
Mà chiếc lá ấy là ô cửa nhỏ
Như con mắt người thương…
… Những kỳ diệu của thiên nhiên rễ, cành, hoa, trái
Những kim cương châu báu giấu kỹ giữa rừng già
Những vị thuốc thần tiên đang chờ ta đến hái
Anh muốn em cũng yêu những mảnh vườn gần và những cánh rừng xa…”
Cũng trên ý nghĩa ấy, sang năm mới, mỗi cơ quan, đơn vị, người dân Việt Nam, trước hết là mỗi cán bộ, đảng viên, tuỳ theo điều kiện của mình tích cực ngăn chặn nạn phá rừng và tích cực trồng cây góp phần duy trì và phát triển tục lệ trồng cây, gây rừng. Đó là một cách thiết thực học tập và làm theo Bác có hiệu quả.
Nguồn Tạp chí Xây dựng Đảng