Mùa xuân, suy nghĩ về minh triết Hồ Chí Minh

(NTO) Hồ Chí Minh là danh nhân văn hóa thế giới. Người đi xa, nhưng để lại cho dân tộc ta một kho tàng tư tưởng đồ sộ - tư tưởng Hồ Chí Minh. Gần đây, giới học thuật đã không dừng lại ở việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh mà đã xuất hiện những công trình nghiên cứu mới về “Minh triết Hồ Chí Minh”.

Minh triết, hiểu một cách chung nhất là sự sáng láng, mẫn tiệp, thông tuệ của trí tuệ mang tính cách phương Đông. Đó là những tư tưởng thuộc về nhân sinh, đạo lý, đi vào lối sống, là những đúc kết thành châm ngôn, gắn với đời sống, rất gần với thực tiễn và nó trở thành những chỉ dẫn về lối sống cho con người.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi của Bác, có thể kể ra hàng ngàn những câu chuyện về tấm gương đạo đức của Bác, mà đó có thể coi là những minh triết- minh triết Hồ Chí Minh.

Chuyện kể rằng tấm áo Bác mặc đã cũ, sờn. Các đồng chí giúp việc thương Bác quá, cứ năn nỉ đề nghị Bác thay bộ quần áo mới. Bác bảo không sao cả, Bác mặc được, cứ để Bác mặc, đỡ tốn kém. Mỗi đồng tiền, bát gạo mà chúng ta tiêu dùng đều là mồ hôi nước mắt của dân. Thương dân thì phải tiết kiệm. Lãng phí là không thương dân. Tham ô, ăn cắp của dân là có tội với dân, với cách mạng. Bác nói với các đồng chí phục vụ và ngay cả trong các phiên họp Trung ương là “Chủ tịch nước mà biết mặc áo vá là có phúc cho dân”. Đó chính là một tư tưởng minh triết. Trong điều kiện đất nước Việt Nam vừa giành được độc lập, vừa thoát khỏi trăm năm đô hộ của thực dân phong kiến, lại trải qua chín năm kháng chiến trường kỳ để bảo vệ nền độc lập, tự do vừa giành được, đời sống nhân dân còn gặp muôn vàn khó khăn, vất vả thì quan điểm, tư tưởng đó của Bác thật là thiết thực, gần gũi đời thường mà mấy người có được.

Khi bàn về chân lý, chúng ta đều hiểu một cách chung nhất chân lý là tri thức lý luận phục vụ cho việc nghiên cứu, tri thức phù hợp với khách quan. Nhưng Bác nói chân lý là cái gì tốt cho nhân dân, cái gì lợi cho nhân dân và cái gì đúng với nhân dân thì cái đó là chân lý. Đó cũng là một tư tưởng minh triết. Bác cũng nói là người có đạo đức thì tiếp thu chân lý dễ hơn. Như vậy, Bác đã soi vào chân lý từ góc độ đạo đức học. Luận điểm này của Bác rất sâu sắc, thâm thúy, tức là người có đạo đức thì dễ phục thiện hơn, dễ thừa nhận sự thật hơn, dễ thừa nhận đạo lý hơn. Và do vậy, trong khoa học có cả đạo đức. Đó là bệ đỡ tinh thần cho con người trong cuộc hành trình đi tìm chân lý.

Một chuyện nữa về Bác cũng rất đời thường. Có lần Bác mời một đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đi tát nước với Bác. Ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, khi lấy nước vào các chân ruộng cao phải tát nước bằng gàu dai. Khi tát nước phải có hai người phối hợp nhịp nhàng mới tát nước được. Vào tát nước với Bác, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cứ lúng túng không tát được làm nước bắn tung tóe lên cả râu, lên cả áo Bác, vì cả đời có tát nước bao giờ đâu. Trong khi đó Bác tát nước thành thạo như một lão nông tri điền. Bác hỏi chú chưa tát nước bao giờ à? Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thưa với Bác là chưa ạ!. Bác bảo không sao cả, Bác sẽ huấn luyện cho chú biết tát nước. Sau đó Bác nói một câu là một minh triết: “Chú làm Bí thư một tỉnh nông nghiệp thì chú phải biết tát nước”. Tức là làm bí thư tỉnh ủy thì phải gắn với nhân dân, phải thấu hiểu cách nghĩ của nhân dân và sống trong cuộc sống của nhân dân thì mới lãnh đạo nhân dân được. Suy rộng ra, khi làm bất kể một công việc gì cũng cần phải sâu sát, phải thấu hiểu công việc mình làm thì mới có thể thành công. Làm người cán bộ trong bộ máy công quyền là nhằm phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội thì cần phải hiểu nhân dân, hiểu xã hội. Trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của người cán bộ thì người cán bộ cần phải hiểu chức trách, nhiệm vụ của mình, và thực hiện chức trách, nhiệm vụ đó phải phù hợp với điều kiện cuộc sống, tránh quan liêu bàn giấy, tránh lý luận suông mù quáng.

Chính những quan điểm, tư tưởng của Bác rất đời thường, rất dung dị và hòa với cách nghĩ, lối sống của nhân dân nhưng lại bao hàm những tư tưởng nhân sinh rộng lớn, là những tư tưởng minh triết nên ai cũng có thể hiểu Bác, ai cũng có thể học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác được, miễn là người đó có tâm, miễn là người đó quyết tâm học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác để cho “...đời ta trong sáng hơn”.

Thiết nghĩ, mỗi cán bộ, đảng viên thường xuyên học tập, rèn luyện và mỗi tổ chức cơ sở Đảng, mỗi cơ quan, đơn vị phải tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Đảng ta phát động, tạo thêm động lực mạnh mẽ, có sức lan tỏa rộng lớn, góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” ở nước ta trong điều kiện hiện nay.