Trong những năm qua, công tác Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm y tế (BHXH, BHYT) đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Việc giải quyết các chế độ trợ cấp và trả lương hưu cho đối tượng thụ hưởng BHXH được thực hiện đầy đủ kịp thời, quyền lợi BHYT và chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng được nâng lên. Số người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT tăng qua các năm.
Tuy nhiên, công tác BHXH, BHYT vẫn còn một số hạn chế: số lao động tham gia BHXH còn thấp, mới đạt khoảng 11% lực lượng lao động địa phương; số người tham gia BHYT mới đạt khoảng 58% dân số. Công tác quản lý Nhà nước về BHXH, BHYT chưa đáp ứng yêu cầu; việc tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT còn có thiếu sót. Tình trạng doanh nghiệp nợ và không đóng BHXH, BHYT còn nhiều. Việc khám, chữa bệnh cho đối tượng có BHYT chưa đáp ứng nhu cầu. Thái độ phục vụ của một số cán bộ y tế và thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh có lúc, có nơi còn gây bức xúc cho người bệnh. Việc xử lý những sai phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT có lúc còn bất cập; thực hiện xử phạt vi phạm hành chính chưa nghiêm, do đó tác dụng răn đe còn hạn chế. Công tác thanh tra, kiểm tra của các ngành chức năng chưa kịp thời và thiếu đồng bộ.
Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trên chủ yếu là do cấp uỷ đảng, chính quyền ở một số địa phương, đơn vị chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các chính sách, chế độ BHXH, BHYT; đồng thời một bộ phận không nhỏ nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về vị trí và tầm quan trọng của BHXH, BHYT trong hệ thống an sinh xã hội. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan BHXH ở địa phương trong việc thực hiện chế độ BHXH, BHYT chưa chặt chẽ. Việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan có chức năng quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh về thực hiện pháp luật BHXH, BHYT có nơi chưa thực sự được chú trọng, nhất là trong các doanh nghiệp, đơn vị ngoài quốc doanh và công lập. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả chưa cao.
Để tăng cường lãnh đạo thực hiện công tác BHXH, BHYT có hiệu quả, phát triển đối tượng tham gia BHXH, chú trọng tăng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện; thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân. Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các ban đảng, đảng đoàn, ban cán sự đảng tỉnh, các huyện, thành ủy và đảng ủy trực thuộc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt các nội dung sau :
1/ Các cấp uỷ đảng, tổ chức tuyên truyền học tập, quán triệt và xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị và Chỉ thị của Ban Thường vụ tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2013-2020. Giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh về vị trí, vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHYT. Phổ biến kịp thời các chính sách, chế độ về BHXH, BHYT để cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy rõ vai trò, ý nghĩa của BHXH, BHYT trong hệ thống an sinh xã hội; quyền lợi và nghĩa vụ của người dân khi tham gia BHXH, BHYT. Phát hiện và biểu dương kịp thời các địa phương, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện tốt, đồng thời phê phán, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm. Chính quyền, cơ quan BHXH và các tổ chức đoàn thể cần chú ý làm tốt công tác vận động nhân dân tham gia BHXH, BHYT.
2/ Ban cán sự Đảng UBND tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, chiến lược phát triển BHXH, BHYT đến năm 2020 và Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của địa phương. Tăng cường đầu tư, phân bổ ngân sách hợp lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn ngân sách để củng cố và phát triển mạng lưới khám bệnh, chữa bệnh; đồng thời thực hiện tốt công tác hậu kiểm, kiểm tra việc thực hiện để kịp thời phòng ngừa, phát hiện các sai phạm nếu có. Thực hiện tốt việc hỗ trợ BHYT cho người nghèo, người dân ở vùng khó khăn, người được hưởng các chính sách xã hội, hỗ trợ một phần mức đóng BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo. Chỉ đạo các cơ quan chức năng và UBND các huyện, thành phố xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2013-2020 đạt hiệu quả.
3/ Đảng đoàn HĐND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách phù hợp gắn với điều kiện thực tế của địa phương, nhằm huy động khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội đối với công tác BHXH, BHYT. Xây dựng chương trình giám sát hàng năm về việc thực hiện các chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh liên quan đến công tác BHXH, BHYT; xác định chỉ tiêu dân số tham gia BHYT, bố trí và công bố chỉ tiêu ngân sách, trong đó nguồn ngân sách Nhà nước là chính, kết hợp với việc huy động thêm các nguồn ngân sách khác để mua thẻ BHYT cho người nghèo và người được hưởng các chính sách xã hội, hỗ trợ việc mua thẻ BHYT cho người nghèo, người dân ở vùng đặc biệt khó khăn.
4/ Đảng đoàn Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các đoàn thể, tổ chức xã hội xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia BHXH, BHYT. Phối hợp chặt chẽ với các sở ban, ngành liên quan, nhất là BHXH tỉnh và các ngành lao động-thương binh và xã hội, y tế, tài chính, giáo dục và đào tạo để thực hiện các chế độ, chính sách về BHXH, BHYT trong toàn tỉnh đạt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.
5/ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy định hướng các cơ quan thông tin truyền thông của tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, giải đáp các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến chế độ, chính sách, quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia BHXH, BHYT.
6/ Đồng thời phối hợp với các ngành có liên quan hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nội dung trên; định kỳ có báo cáo kết quả thực hiện về Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.
Chỉ thị này được quán triệt đến tận chi bộ và phổ biến, tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân.