Nhiều hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn đã thoát nghèo từ nguồn vốn ưu đãi.
Ảnh minh họa
Chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn đã được thực hiện từ năm 2007 theo Quyết định 32/2007/QĐ-TTg và Quyết định 126/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Chính sách này đã tạo điều kiện cho nhiều hộ khó khăn được vay vốn phát triển sản xuất.
Bà Phạm Thị Sửu, Trưởng phòng Chính sách xã hội, Vụ Chính sách xã hội, Ủy ban Dân tộc cho biết, đến nay số hộ có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất còn rất lớn, hiện còn 156.802 hộ chưa được vay.
Do vậy, việc tiếp tục thực hiện chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất theo Quyết định 54/2012/QĐ-TTg có hiệu lực từ hôm nay cùng với các chính sách khác đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các hộ này từng bước thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Cũng theo bà Sửu, theo Quyết định 32/2007/QĐ-TTg, mức cho vay là 5 triệu đồng/hộ. Đến nay định mức đó không còn phù hợp, để phát triển sản xuất, người dân cần có một nguồn vốn lớn hơn mới có thể tổ chức sản xuất và kinh doanh được. Vì vậy, Quyết định 54/2012/QĐ-TTg đã nâng mức cho vay thêm 3 triệu đồng, nghĩa là mức cho vay mới áp dụng từ hôm nay là 8 triệu đồng/hộ.
Theo Quyết định 54/2012/QĐ-TTg, đối tượng được vay vốn là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số (kể cả các hộ có vợ hoặc chồng là người dân tộc thiểu số) sống ở các xã (phường, thị trấn) thuộc vùng khó khăn quy định tại Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 5/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ, có mức thu nhập bình quân đầu người hàng tháng từ 50% trở xuống so với chuẩn hộ nghèo theo quy định hiện hành; có phương án sản xuất nhưng thiếu hoặc không có vốn sản xuất.
Theo quy định mới, lãi suất cho vay với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn là 0,1%/tháng, tương ứng với 1,2%/năm. Đây là mức lãi suất cho vay ưu đãi và cũng là để người dân có trách nhiệm hơn với đồng vốn của Nhà nước.
Thực tế sau 5 năm triển khai chính sách này đã cho thấy hiệu quả rõ rệt của đồng vốn hỗ trợ đối với hộ dân tộc thiểu số nghèo. Việc chuyển hình thức hỗ trợ trực tiếp sang hình thức cho vay tín dụng với hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đã tạo bước chuyển đáng kể trong nhận thức của người dân; từ đó, giúp người dân nâng cao ý thức tự lực, nỗ lực vươn lên thoát nghèo.
Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cho biết, qua 5 năm thực hiện, ngân sách đã bố trí 532 tỷ đồng giải quyết cho 118.530 hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn vay. Trong đó, đã giúp cho 33.969 hộ có điều kiện phát triển sản xuất; 80.218 hộ mở rộng được chăn nuôi và 4.343 hộ mở rộng sang ngành nghề dịch vụ khác. Hầu hết các hộ đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn đã sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả thiết thực.
Ông Mạc Văn Nheo, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng chia sẻ, trên địa bàn tỉnh đã có 3.784 hộ được vay vốn với hơn 18 tỷ đồng. Nhờ có nguồn vốn này, những khó khăn về kinh tế của các hộ dân tộc thiểu số từng bước được giải quyết, nhiều hộ đã thoát nghèo; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh, củng cố tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc, trật tự an ninh vùng đồng bào dân tộc được bảo đảm.
Hiện nay, Ủy ban Dân tộc đang hoàn thiện Thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định 54/2012/QĐ-TTg và sẽ sớm ban hành để chính sách hỗ trợ này sớm đến được với bà con.
Nguồn Chinhphu.vn